Kinh doanh khởi sắc 6 tháng đầu năm, VPBank xin ý kiến cổ đông tăng vốn điều lệ thêm 80% lên 45.000 tỷ đồng

Quỳnh Chi

Nếu phương án này được thông qua, VPBank sẽ vượt qua “big 4” trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất toàn ngành.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã CK: VPB) vừa công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ năm 2021. Theo đó, HĐQT ngân hàng đề xuất phát hành thêm hơn 1,97 tỷ cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ chia là 80%, để nâng vốn điều lệ lên từ gần 25.300 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng.

Kinh doanh khởi sắc 6 tháng đầu năm, VPBank xin ý kiến cổ đông tăng vốn điều lệ thêm 80% lên 45.000 tỷ đồng - Ảnh 1

Trong đó, tỷ lệ phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là 62,15%, tỷ lệ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu là 17,85%. Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý 3 hoặc quý 4 năm nay. Nếu phương án này được thông qua, VPBank sẽ vượt qua “big 4” trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất toàn ngành.

Bên cạnh đó, VPBank cũng sẽ triển khai phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP). Dự kiến, VPBank sẽ trích 15 triệu cổ phiếu trên tổng số hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ để chào bán cho cán bộ nhân nhiên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt bán và được giải tỏa dần qua các năm.

VPBank cho biết hiện một vài chỉ số của ngân hàng đang ở mức giới hạn cao, chưa tận dụng được tối ưu các cơ hội mới phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Để cải thiện vấn đề này, trong thời gian tới, HĐQT VPBank xét thấy việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng là cần thiết.

Được biết, lũy kế đến 31/12/2020, nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển của ngân hàng đạt khoảng 19.511 tỷ đồng và nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ khoảng 808 tỷ đồng… có thể dùng cho mục đích tăng vốn điều lệ như trên thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Mới đây, VPBank cũng đã hé lộ một số kết quả kinh doanh dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2021 với tổng doanh thu hợp nhất đạt gần 23.100 tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ. Nếu tính riêng quý 2 thì con số này đạt 34,6% so cùng kỳ.

Trong đó, thu nhập lãi thuần trong 6 tháng tăng 16,7% so với cùng kỳ nhờ đóng góp lớn từ việc giảm chi phí vốn. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 50% nhờ đẩy mạnh hoạt động phát hành thẻ, dịch vụ bảo hiểm và thanh toán. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng gấp 1,6 lần so với nửa đầu năm ngoái, nhờ tận dụng các yếu tố thuận lợi của thị trường.

Cơ cấu tín dụng của VPBank tiếp tục dịch chuyển mạnh mẽ sang các phân khúc hiệu quả để đóng góp tốt hơn cho doanh thu. Tại ngân hàng riêng lẻ, tăng trưởng tín dụng tập trung ở hai phân khúc chiến lược là khối khách hàng cá nhân (RB) tăng 17% và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng tới 21%.

Doanh số giải ngân của RB và SME trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 60,3% và 52,5%. Riêng hai khối này đã đóng góp tới 57% vào tổng dư nợ của ngân hàng mẹ.

Trong nửa đầu năm, VPBank cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro theo xu hướng của ngành ngân hàng trước diễn biến bất lợi của dịch bệnh Covid-19 đồng thời đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Số liệu từ ngân hàng cho thấy chi phí dự phòng hợp nhất tăng mạnh 35% và tổng thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất đạt 1.374 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Con số này tại FE Credit tăng 1,5 lần đạt 657 tỷ đồng.

Trước đó, VPBank đã công bố thương vụ M&A kỷ lục của ngành tài chính Việt Nam đó là bán 49% cổ phần của công ty con FE Credit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG), thu về 1,4 tỷ USD. Khoản tiền này mang lại khoản thặng dư lớn, góp phần nâng cao tiềm lực tài chính của ngân hàng.

Tin Cùng Chuyên Mục