Kinh doanh tụt dốc, âm nặng dòng tiền, Quốc tế Sơn Hà (SHI) có gì để làm BĐS công nghiệp?

Quỳnh Chi

Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ quý III/2021 “bốc hơi” 96% còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng, SHI còn âm nặng dòng tiền kinh doanh 338 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Lợi nhuận sụt giảm nặng nề, các khoản thu đều "tắc"

Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã CK: SHI) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với doanh thu thuần tăng 26% so với cùng kỳ lên 1.736 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp gần như đi ngang ở mức 184 tỷ đồng.

Kinh doanh tụt dốc, âm nặng dòng tiền, Quốc tế Sơn Hà (SHI) có gì để làm BĐS công nghiệp? - Ảnh 1

Các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ đều tăng mạnh khiến lãi ròng giảm đến 87% so với cùng kỳ, xuống còn gần 5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ “bốc hơi” 96% còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi ròng lũy kế 9 tháng đầu năm vẫn tăng nhẹ gần 8% lên hơn 86 tỷ đồng.

Lợi nhuận sụt giảm mạnh, SHI còn gặp vấn đề lớn khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm nặng gần 338 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này chỉ âm hơn 12 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tồn kho và các khoản phải thu đều tăng mạnh khiến tiền bị “tắc”.

Thời điểm cuối quý III, tồn kho của SHI đã tăng 238 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 1.291 tỷ đồng. Trong khi đó, phải thu ngắn hạn thậm chí còn tăng đến 550 tỷ đồng từ đầu năm lên 2.431 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản.

Ngoài ra, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của SHI cũng âm 154 tỷ đồng. Điều này khiến Công ty buộc phải đi vay để bù đắp. Thời điểm cuối tháng 9, nợ vay ngắn hạn đã tăng 145 tỷ đồng lên mức 2.165 tỷ đồng và nợ dài hạn tăng 288 tỷ đồng lên 499 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả cũng theo đó tăng hơn 24% so với đầu năm lên gần 3.950 tỷ đồng.

Lấn sân sang bất động sản công nghiệp

Vấn đề với dòng tiền khiến tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp của SHI gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm hiện tại SHI vẫn chưa có doanh thu từ mảng này dù đã xác định trong 5 năm tới sẽ đưa bất động sản công nghiệp trở thành ngành chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn.

Năm 2021, SHI dự kiến sẽ khởi công khu công nghiệp đầu tiên đó là Khu công nghiệp Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển các khu công nghiệp khác ở các vùng miền tạo thành một chuỗi các khu công nghiệp để đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia khác đến Việt Nam.

Phối cảnh dự án Khu công nghiệp Tam Dương. Nguồn: Internet
Phối cảnh dự án Khu công nghiệp Tam Dương. Nguồn: Internet

Trong khi đó, dự án đầu tay của SHI ở phân khúc bất động sản công nghiệp là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tam Dương I – Khu vực 2 huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

Để có vốn thực hiện dự án này SHI đã chào bán thành công hơn 50,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tổng giá trị chào bán dự kiến theo mệnh giá 501 tỷ đồng (tỷ lệ thực hiện 2:1) với giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu tương ứng số tiền 501 tỷ đồng.

Theo kế hoạch bán đầu, SHI sẽ dùng 250 tỷ đồng (trong tổng số 501 tỷ đồng nói trên) cộng với trên 444 tỷ đồng vốn vay để đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến ngày 23/9/2021, SHI đã điều chỉnh lại. Theo đó, SHI chỉ dùng 80 tỷ đồng (trong tổng số 501 tỷ đồng) và vay thêm trên 614 tỷ đồng để đề bù giải phóng mặt bằng.

Theo tính toán của SHI, trong 7 quý (từ quý IV/2021 đến quý II/2023), SHI sẽ phải trả trên 87 tỷ đồng tiền lãi vay, tương đương mỗi tháng SHI sẽ trả gần 5 tỷ đồng lãi vay cho việc phát triển dự án dự án khu công nghiệp nói trên.

Kinh doanh không mấy khởi sắc với lợi nhuận tăng trưởng âm và dòng tiền hạn chế là những rào cản lớn SHI không dễ vượt qua để lấn sâu vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.

Tin Cùng Chuyên Mục