Kon Tum: Vì sao 1km đường mà 3 năm làm chưa xong?

Du Nghĩa

Mặc dù gói thầu số 7 chỉ còn 1 km nữa là hoàn thành. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay, gói thầu này vẫn “giậm chân tại chỗ”. Kéo theo đó là những kiện tụng kéo dài, gây bức xúc cho người dân.

Gói thầu “giậm chân tại chỗ”.

Gói thầu dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24b (QL24) do Sở GTVT tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư với tổng kinh phí khoảng 400 tỉ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Gói thầu này bao gồm 3 gói thầu: Số 6, số 7 và số 8 nối TP.Kon Tum-huyện KonPlong (tỉnh Kon Tum), nằm trên QL24.

Đến nay, dự án nâng cấp, mở rộng QL24 cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, tại gói thầu số 7, đi qua thôn Kon H’rinh và thôn Kon Tu 2, xã Đăk Bla (TP.Kon Tum) hiện đang “giậm chân tại chỗ”. Nguyên nhân dẫn đến việc đó là do khoảng 10 hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng, nhận tiền đền bù để đơn vị tiếp tục thi công gói thầu số 7 trên QL24.

Kon Tum: Vì sao 1km đường mà 3 năm làm chưa xong? - Ảnh 1

1km đường suốt 3 năm "giậm chân tại chỗ". (Ảnh: Doanhnhan.vn/ Du Nghĩa). 

Để làm rõ, phóng viên Doanhnhan.vn đã đi tìm câu trả lời cho việc gói thầu số 7 bị trì trệ suốt 3 năm qua.

Có mặt tại thôn Kon H’Rinh, xã Đăk Bla (TP.Kon Tum), theo ghi nhận của phóng viên Doanhnhan.vn, mặc dù trên tuyến đường này chỉ còn khoảng 1km nữa, nhưng không thể thực hiện, do một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đỗ Đường Phúc, bức xúc: “Gia đình tôi có 137m2 đất bị thu hồi để phục vụ cho việc làm đường trên QL24. Tuy nhiên, gia đình tôi không bằng lòng với số tiền đền bù là 12.600.000 đồng”.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông Đào Ngọc Sơn (trú tại thôn Kon H’ring) là hộ bị thu nhiều diện tích đất nhiều nhất, với 2.824m2 đất. Ông Sơn, cho biết: “Gia đình tôi là hộ bị thu nhiều đất nhất, nhưng chỉ được đền bù 217 triệu đồng. Nếu chỉ tính giá đền bù của TP.Kon Tum so với đất thị trường (2,3 triệu đồng/m2) thì gia đình tôi thiệt hại khoảng 7 tỉ đồng. Tất cả những hộ dân kiến nghị Thanh tra tỉnh Kon Tum vào cuộc để xem xét lại toàn bộ gói thầu này và đưa ra mức giá đền bù phù hợp cho người dân”.

“Với 496m2 đất (cả đất thổ cư và đất phi nông nghiệp) mà UBND TP.Kon Tum chỉ đền bù 62 triệu đồng. Là một sĩ quan trong quân đội và nay đã nghỉ hưu, với mức giá đền bù như vậy thì chúng tôi cố gắng bao năm qua giờ coi như trắng tay”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết.

Nhiều "điểm mờ" tại gói thầu số 7

Theo những hộ dân nơi đây cho rằng, lý do mà 10 hộ dân nơi đây chưa nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng là do mức đền bù đất quá thấp. Theo mức giá đền bù mà Trung tâm Quỹ đất TP.Kon Tum đưa ra, với 16.000 đồng/m2 đất nông nghiệp và 400.000 đồng/m2 đất thổ cư. Chính vì vậy, mà khoảng 3 năm nay, khoảng 10 hộ dân ở đây chưa thống nhất với cách đền bù của TP. Kon Tum.

Bên cạnh đó, việc thu hồi, bồi thường tại gói thầu số 7 đi qua xã Đăk Bla thiếu công khai, minh bạch. Các hộ dân đều khẳng định: “Trước khi nhận được tiền đền bù (15/1/2015), các hộ dân vẫn không nhận được quyết định phương án đền bù, đơn giá bồi thường và không được niêm yết công khai. Cho đến ngày 22/4/2015 người dân mới nhận được quyết định thu hồi đất”.

Chưa dừng lại, thời điểm năm 2015, nhưng TP.Kon Tum lại áp dụng Luật đất đai năm 2003, trong khi Luật đất đai năm 2013 được sửa đổi, bổ sung và áp đã áp dụng.

Kon Tum: Vì sao 1km đường mà 3 năm làm chưa xong? - Ảnh 2

Nhiều bất cập trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trên QL24. (Ảnh: Doanhnhan.vn/ Du Nghĩa).

Mang theo những bức xúc của người dân, chúng tôi lên tìm gặp lãnh đạo UBND TP.Kon Tum. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Điệu (Phó Chủ tịch UBND TP.Kon Tum) cho biết: “Lúc thu hồi đất của người dân để phục vụ cho việc xây dựng QL24 thì Luật đất đai 2013 chưa có hiệu lực nên không thể áp dụng để bồi thường cho những hộ dân tại gói thầu số 7. Với lại không thể gói thầu số 7 áp dụng Luật đất đai 2013 mà các gói thầu khác lại áp dụng Luật đất đai năm 2003. Như thế sẽ không thống nhất trong phương án đền bù”.

Tuy nhiên, trước câu hỏi chất vấn của phóng viên về một số bất cập tại gói thầu số 7, ông Điệu cũng thừa nhận: “Việc không gửi phương án đền bù, đơn giá bồi thường đến tận tay các hộ dân bị thu hồi đất mà chỉ niêm yết ở nhà rông làng của Trung tâm Quỹ đất TP.Kon Tum là sai quy định”.

Ông Điệu cũng khẳng định với phóng viên: “Để khách quan trong việc đền bù, sắp tới UBND TP.Kon Tum sẽ mời các hộ dân lên để đối thoại trực tiếp lần cuối với lãnh đạo tỉnh. Nếu các hộ dân không đồng ý và vẫn không chịu bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công sớm hoàn thành thì sẽ kiên quyết cưỡng chế. Đó cũng chỉ là “hạ sách” cuối cùng, chúng tôi không muốn phải dùng cách đó”.