Làm gì để giảm thiểu nguy cơ hậu Covid-19?

Thời điểm hiện tại, các vấn đề về hậu COVID-19 chính là nỗi lo lắng thường trực của bất cứ ai. Tuy nhiên, đến nay ngành y tế vẫn chưa có thống kê, ghi nhận một cách đầy đủ về tình hình này trong cộng đồng, cũng như đưa ra phác đồ điều trị hậu Covid-19 hiệu quả.

Mối lo không chỉ riêng ai!

Lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho hay: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có khoảng 10 - 20% bệnh nhân (BN) Covid-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh. Theo các bác sĩ điều trị hậu Covid-19, BN thường gặp những tổn thương mang tính chất hệ thống toàn thân, trong đó tập trung tổn thương ở các cơ quan chính như: Phổi, tim mạch, thận, thần kinh, cơ xương khớp, nội tiết, tiêu hóa... Trong đó, các triệu chứng tồn tại lâu hơn 3 tuần được phân loại là “hậu Covid-19 cấp tính” và những triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần là “hậu Covid-19 mãn tính”.

Lương y Phùng Tuấn Giang
Lương y Phùng Tuấn Giang

Thực tế, các bệnh viện (BV) hiện tiếp nhận hàng ngàn BN bị hậu Covid-19 đến khám với các triệu chứng như: Khó thở, đuối sức, hụt hơi, rụng tóc, làm việc nhanh mệt... Nhiều BN trước đó F0 không từng có triệu chứng cũng bị hậu Covid-19. Điều này khiến cho sức khỏe và cuộc sống của BN bị ảnh hưởng nặng nề.

Cũng theo TS.Lương y Phùng Tuấn Giang: Hội chứng hậu Covid-19 phổ biến nhất là ở đường hô hấp với các biểu hiện: Hụt hơi, khó thở, ho, một số trường hợp còn thấy mờ phổi trên CT-scanner lồng ngực. Bên cạnh đó, các trường hợp biến chứng thần kinh sau mắc Covid-19 cũng được ghi nhận. Một số biến chứng thần kinh như: Viêm não khu trú, viêm tủy cắt ngang, hội chứng Guillain – Barré (viêm đa dây thần kinh cấp tính), rối loạn nhận thức, giảm trí nhớ, lo âu, trầm cảm… trên những BN đã mắc Covid-19 mà trước đó không có tiền sử bệnh lý thần kinh mà không có nguyên nhân nào khác được xác định. Trước đây các nhà khoa học đã cho rằng có sự lây nhiễm trực tiếp hệ thần kinh trung ương của các coronavirus như SARS và MERS. Về tim mạch, BN hậu Covid-19 có thể gặp vỡ mảng bám lòng mạch do viêm, tăng cung lượng, tổn thương mạch máu và huyết khối. Ngoài ra, các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa đã được báo cáo ở những BN hậu Covid-19 như: Các bệnh lý về dạ dày, đại tràng, tình trạng đại tiện bất thường.

Hầu hết các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19 đều liên quan đến sự thay đổi của hệ thống miễn dịch, chuyển hóa năng lượng và oxy hóa, chức năng thần kinh, chức năng tim mạch. Sự hiện diện của tự kháng thể đã được mô tả ở BN Covid-19. Các tự kháng thể cũng được tìm thấy một cách hệ thống ở khắp các mô khác nhau và có liên quan đến sự phát triển của tình trạng hậu Covid-19. Tuy nhiên, đến nay ngành y tế vẫn chưa có thống kê, ghi nhận một cách đầy đủ về tình hình hậu Covid-19 trong cộng đồng cũng như phác đồ điều trị hậu Covid-19.

Giảm thiểu nguy cơ hậu COVID-19?

Theo BS chuyên khoa II Bùi Trọng Hợp - Trưởng Khoa Nhiễm - BV Trưng Vương: Cảm giác uể oải, mệt mỏi kéo dài 1 tuần - 10 ngày sau khi BN âm tính không phải là hậu Covid-19. Đây là tình trạng suy nhược cơ thể sau khi mắc bệnh nhiễm trùng. Để khắc phục, BN cần chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, có thể bổ sung các loại multivitamin để đáp ứng nhu cầu hằng ngày, tập thể dục nhẹ nhàng và tập thở, làm việc, sinh hoạt điều độ.

Để giảm thiểu nguy cơ hậu Covid-19, TS.BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng Khoa Nội hô hấp - BV Nhân dân Gia Định khuyến cáo: Người đang trong giai đoạn Covid-19 cấp tính nên tập trung điều trị theo hướng dẫn của cơ quan y tế, giữ sức khỏe, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đủ dinh dưỡng và giữ tinh thần thoải mái. Bởi lẽ, nếu mắc bệnh không nặng, được điều trị đầy đủ, kịp thời thì khả năng bị hậu Covid-19 là rất thấp.

Làm gì để giảm thiểu nguy cơ hậu Covid-19? - Ảnh 1

Dưới góc độ y học cổ truyền, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang cho hay: Covid-19 thuộc phạm vi ôn dịch và qua các giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh (phục hồi) như các bệnh truyền nhiễm. Giai đoạn phục hồi cũng chính là lúc cơ thể đào thải virus bất hoạt, các yếu tố hàn thấp, nhiệt độc được bài ra. Quá trình phục hồi sức khỏe tùy thuộc vào mức độ của bệnh trước đó. Theo đó, sau mắc Covid-19 thể nhẹ, không có triệu chứng có thể hồi phục trong vòng 7 đến 10 ngày. Trong quá trình hồi phục sau mắc Covid-19 thể vừa, có thể BN sẽ gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, ho và khó thở trong nhiều tuần; Sự phục hồi của những BN Covid-19 nặng có thể mất vài tuần đến vài tháng để thể lực và chức năng phổi trở lại bình thường.

Để giai đoạn này được nhanh chóng, sức khỏe hồi phục tốt, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang đưa ra lời khuyên: Cần nâng cao hệ miễn dịch. Cụ thể: Đối với y học cổ truyền, trong giai đoạn lui bệnh cần dùng thuốc, ăn uống để nâng cao chính khí, bổ khí huyết tạng phủ, cân bằng âm dương, đặc biệt cần kiêng kỵ cho đúng. Hiện chưa cho bằng chứng nào chứng minh những người khỏi SARS-CoV-2 và mang sẵn kháng thể không bị lây nhiễm lại. Do đó, phòng chống tái phát sau khi khỏi bệnh cũng là mục tiêu quan trọng, nếu không làm tốt được vấn đề này việc dập dịch sẽ không triệt để được!.

Theo đó, việc phòng chống tái phát Covid-19 dựa trên nguyên tắc nâng cao sức khỏe, sức đề kháng và thực hiện các biện pháp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế). Để tăng cường sức khỏe, chống tái phát Covid-19, nên bảo vệ và tăng cường hệ thống miễn dịch với thảo dược.

Trước hết về dinh dưỡng: Dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp nâng cao đề kháng và hồi phục sức khỏe. Việc lựa chọn các loại thực phẩm an toàn tốt cho sức khỏe sẽ giúp chúng ta nuôi dưỡng cơ thể và phòng chống bệnh tật một cách lâu dài. Cần cân bằng các thành phần dinh dưỡng với đa dạng thực phẩm; Nên sử dụng thực phẩm tươi hữu cơ thay cho các loại thực phẩm chế biến sẵn; Nên bổ sung vitamin khoáng chất, chất chống oxy hóa, chống viêm và kháng sinh tự nhiên từ các loại rau, củ, quả tươi, đặc biệt là các loại rau thơm như: Hành, tía tô, kinh giới, diếp cá, ớt chuông, húng quế, mùi tây, bạc hà…; Cắt giảm hoặc loại bỏ đường và rượu khỏi chế độ ăn uống vì chúng gây ra ức chế hệ thống miễn dịch; Có thể kết hợp các vị thuốc để nấu ăn, tạo ra những món ăn bài thuốc có tác dụng bổ khí huyết, bổ ngũ tạng như: Cháo bát bảo: Thập toàn đại bổ thang hầm gà (chim, thịt heo)…: Phở truyền thống của Việt Nam với các loại gia vị có các thảo dược quý cũng có tác dụng tốt trong việc tăng cường sức khỏe, nâng cao miễn dịch, kháng virus, phòng chống cúm, kích thích tiêu hóa.

Cùng với đó nên tập luyện thể chất, tinh thần để nâng cao sức khỏe. Nên tập luyện thể chất mỗi ngày 30 phút bằng các bài tập dưỡng sinh nhẹ nhàng, đi bộ quanh nhà, vẩy tay hoặc yoga… (có thể tập ở nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội hoặc phải cách ly). Thiền định cũng rất quan trọng trong việc phòng tái phát bệnh. Mỗi ngày nên dành khoảng 30 phút để ngồi thiền. Có thể sử dụng thêm trầm hương hoặc thảo dược thơm để tạo không gian thanh tịnh khi thiền. Tập thở cũng là pháp dưỡng sinh mang đến nhiều lợi ích, biến năng lượng tự nhiên thành năng lượng sinh học để điều tiết tinh thần, lưu thông khí huyết, chống lại bệnh tật, phục hồi tổn thương. Mỗi ngày nên dành 30 phút để tập thở, có thể kết hợp trong lúc thiền. Các phương pháp thở 4 thì, thở 6 thì, quy tức… có tác dụng cải thiện chức năng hô hấp tốt, nhất là đối với người có tổn thương phổi do Covid-19.

Tin Cùng Chuyên Mục