Lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ, Chứng khoán MB (MBS) còn ôm thêm hàng trăm tỷ đồng trái phiếu

Quỳnh Chi

MBS lãi trước thuế gần 152 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về hơn 121 tỷ đồng, cũng giảm 34% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh quý 3 của CTCP Chứng khoán MB (mã CK: MBS) không mấy khả quan với doanh thu hoạt động giảm 16% so với cùng kỳ đạt 430 tỷ đồng. Các mảng môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành đều kém hiệu quả trong khi mảng cho vay chỉ nhích nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ, Chứng khoán MB (MBS) còn ôm thêm hàng trăm tỷ đồng trái phiếu - Ảnh 1

Cụ thể, doanh thu môi giới quý 3 của MBS ghi nhận hơn 151 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Doanh thu bảo lãnh phát hành ở mức 14 tỷ đồng, cũng giảm hơn 50%. Doanh thu hoạt động tư vấn chỉ đạt 5,6 tỷ đồng, giảm tới 83% so với cùng kỳ. Ngược lại, lừ các khoản cho vay và phải thu đạt gần 190 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.

Ở mảng tự doanh, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt gần 32 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Lãi từ các khoản đầu tư tới ngày đáo hạn HTM tăng 55%, đạt 28 tỷ đồng. Quý này, khoản lỗ từ FVTPL của MBS chỉ ở mức gần 5 tỷ đồng. Sau khi đi chi phí tự doanh, mảng này ghi lãi 16,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 50 tỷ đồng nhờ đánh giá lại phải trả chứng quyền đang lưu hành (âm hơn 100 tỷ đồng).

Trong kỳ, chi phí hoạt động của MBS giảm 12% xuống 152 tỷ đồng tuy nhiên chi phí tài chính lại tăng 19% so với cùng kỳ, lên đến gần 100 tỷ đồng. Kết quả, MBS lãi trước thuế gần 152 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về hơn 121 tỷ đồng, cũng giảm 34% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, MBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.552 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 555 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng thu về 442 tỷ đồng, cũng giảm 6% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, CTCK này mới thực hiện được 40% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2022.

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của MBS đạt hơn 12.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Phần lớn tài sản của CTCK này nằm ở các tài sản tài chính ngắn hạn. Cụ thể, các khoản cho vay có giá trị hơn 7.100 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, số dư cho vay margin đạt 6.600 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm.

Danh mục tài sản tài chính  FVTPL ở mức gần 600 tỷ đồng, giảm 65% so với đầu năm. Ngược lại, các khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn (HTM) tăng 13%, lên mức 1,785 tỷ đồng. Khoản mục bao gồm hơn 1.780 tỷ đồng tiền gửi có kỳ dưới 1 năm và 432 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn trên 1 năm. Đáng chú ý, giá trị tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) cũng tăng mạnh gấp hơn 7 lần lên 995 tỷ đồng, do MBS mua thêm 876 tỷ đồng trái phiếu.

 

Được thành lập từ tháng 5 năm 2000 bởi Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với tên gọi tiền thân là Công ty CP chứng khoán Thăng Long, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) là một trong 6 công ty chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam. Trên website tự giới thiệu thì sau nhiều năm phát triển, MBS đã trở thành một trong những công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam, liên tục đứng trong Top 10 thị phần tại cả hai Sở Giao dịch (Hồ Chí Minh và Hà Nội).

 

Tin Cùng Chuyên Mục