Ngân hàng nào trả lãi suất tiết kiệm cao nhất ngày 1/3?

Túc Mạch

Mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân của các ngân hàng trong nước đã giảm liên tục kể từ cuối năm 2022 đến nay. Tuy nhiên một số ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất ở mức xấp xỉ 9,5%/năm.

Theo ghi nhận trong số 20 ngân hàng chi trả lãi suất từ 9,5%/năm trở nên vào thời điểm cuối năm 2022, cho tới hiện tại dù lãi suất đã giảm, vẫn còn 8 ngân hàng duy trì mức lãi suất này.

Cụ thể, nhóm ngân hàng duy trì mức lãi suất cao hiện nay đều thuộc nhóm có quy mô nhỏ như BaovietBank, Kienlongbank, NamABank, PVComBank, Saigonbank, VietABank, VietBank, ngoại trừ SCB thuộc nhóm ngân hàng có quy mô lớn với số dư huy động hơn 300.000 tỷ đồng.

Mới đây, ngân hàng từng có lãi suất huy động ở mức trên 9,5%/năm là Indovina Bank cũng vừa mới sửa lại bảng niêm yết lãi suất, điều chỉnh mức cao nhất từ 9,6%/năm xuống 9,3%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

Vẫn còn nhiều ngân hàng giữ mức lãi suất huy động ở mốc 9,5%
Vẫn còn nhiều ngân hàng giữ mức lãi suất huy động ở mốc 9,5%

Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất niêm yết tại các ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn. Chẳng hạn, nhiều ngân hàng niêm yết trên 9%/năm như BacABank, BaoVietBank, DongABank, NCB, OCB, PVCombank, VietABank, NamABank. Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác như Sacombank, Techcombank,…chỉ niêm yết nhỉnh hơn so với 8%, phổ biến 8,2-8,5%/năm.

Còn về mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp nhất được ghi nhận ở mốc 7,3-7,5%/năm cho các khoản tiền gửi cá nhân, áp dụng với cả tại quầy và gửi online. Trong nhóm này có 2 ông lớn thuộc Big 4 là Agribank và Vietcombank với cùng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi của khách hàng cá nhân là 7,4%/năm.

Ngoài ra, CBBank và SeABank là hai nhà băng còn lại có mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trở lên trong mức này, hiện lần lượt ở mức 7,45-7,55%/năm và 7,3-7,43%/năm.

Lãi suất tiền gửi giảm nhẹ cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn
Lãi suất tiền gửi giảm nhẹ cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn

Cũng đưa ra mức lãi suất 7,4%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên, tuy nhiên, hai ngân hàng quốc doanh là VietinBank và BIDV chỉ áp dụng mức lãi suất này với các tiền gửi tại quầy. Còn nếu gửi online, lãi suất tối đa khách hàng nhận được sẽ là 8,2%/năm. Tuy vậy, đây vẫn là mức lãi suất thấp so với mặt bằng chung toàn hệ thống ngân hàng hiện nay.

Ở biểu lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, hiện hầu hết nhà băng vẫn đưa ra mức lãi huy động kịch trần 6%/năm NHNN cho phép, kể cả nhóm ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, số ít ngân hàng lại niêm yết lãi suất các kỳ hạn này thấp hơn.

Trong đó, CBBank hiện là ngân hàng trả lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn 1-5 tháng thấp nhất thị trường, chỉ dao động trong khoảng 3,8-3,9%/năm với tiền gửi tại quầy và 3,9-3,95%/năm trên kênh online. Với SeABank, ngân hàng này chỉ đưa ra mức lãi suất 5,7%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn này với cả kênh quầy và online. Tương tự, TPBank, OCB đều là những ngân hàng không đưa ra mức lãi suất kịch trần 6%/năm cho các kỳ hạn tương tự.

Theo các chuyên gia, thời gian gần đây lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên tại hội nghị Đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp với chủ đề “Ngành Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển” ngày 28/2 tại TP.HCM, một số doanh nghiệp vẫn cho biết, việc tiếp cận nguồn vay vẫn còn nhiều khó khăn và mức lãi suất quá cao, có trường hợp lên đến hơn 14%/năm. Nhiều Doanh nghiệp cũng đề nghị các ngân hàng thương mại điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, về mức hợp lý hơn. Ngay tại hội nghị này, các ngân hàng thương mại cũng đã ký kết cho 64 doanh nghiệp vay hơn 11.000 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục