Ngành bảo hiểm “ngấm” khủng hoảng niềm tin, nếu không khắc phục thì khó tồn tại phát triển

Trung Hiếu

Doanh thu phí bảo hiểm đã có một quý đi lùi với doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới sụt giảm đáng báo động. Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin lớn nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển. Nếu doanh nghiệp không tìm cách khắc phục thì sẽ rất khó tồn tại và phát triển.

Ngành bảo hiểm “ngấm” khủng hoảng niềm tin, nếu không khắc phục thì khó tồn tại phát triển

Một số doanh nghiệp bảo hiểm phải bổ sung hàng trăm tỷ đồng tính thuế

Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (bancass). Theo đó, các doanh nghiệp hạch toán chi phí liên quan đến hoạt động bancass là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định.

Cụ thể, Prudential phải bổ sung 740 tỷ đồng vào thu nhập chịu thuế. Năm 2021, Prudential hạch toán hơn 740 tỷ đồng vào khoản chi phí liên quan hoạt động bancass và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong đó, chi phí hỗ trợ ban đầu, phí hợp tác chi trả cho đại lý tổ chức 44 tỷ đồng. Chi phí hỗ trợ tiếp thị chi trả cho ngân hàng 342 tỷ đồng. Chi thưởng trực tiếp cho nhân viên ngân hàng để giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm hơn 57 tỷ đồng. Chi trả phụ cấp cố định, thưởng cho các đại lý bảo hiểm cá nhân chưa đúng quy định 296 tỷ đồng.

“Việc Prudential hạch toán hơn 740 tỷ đồng vào khoản chi phí liên quan hoạt động bancass và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế. Bộ Tài chính đề nghị Tổng giám đốc Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential hạch toán chi phí này vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021”, Bộ Tài chính yêu cầu.

Đối với khoản chi có nội dung, tên gọi, cách thức chi trả, hồ sơ chứng từ và tài liệu có liên quan tương tự như khoản chi nêu ở trên thuộc kỳ kế toán liên quan, Bộ Tài chính đề nghị Prudential xác định, tính toán lại, kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng.

Tương tự, Bộ Tài chính yêu cầu BIDV Metlife bổ sung hạch toán khoản tiền 174 tỷ đồng chi phí liên quan đến hoạt động bancass để tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021. Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục thuế Hà Nội đôn đốc, rà soát việc Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife thực hiện kê khai, tuân thủ quy định pháp luật về thuế, hóa đơn đối với các khoản chi nêu tại Kết luận thanh tra.

Cùng với đó, qua thanh tra, Bộ Tài chính nêu rõ, việc Sun Life hạch toán hơn 600 tỷ đồng chi phí, doanh thu liên quan đến hoạt động bancass là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế.
Ngoài ra, Sun Life còn chi trả, hạch toán hỗ trợ cho ngân hàng chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế. Cụ thể, Sun Life chi trả, hạch toán khoản chi phí hỗ trợ tiếp thị cho Ngân hàng Tiên Phong 121 tỷ đồng là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 nhưng không căn cứ chi phí thực tế hoạt động marketing do ngân hàng thực hiện.

Khủng hoảng niềm tin

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy bức tranh ảm đạm của thị trường bảo hiểm quý II/2023. Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý này ước đạt 61.300 tỷ đồng, giảm 3,12% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 117.000 tỷ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá, nguyên nhân lớn khiến thị trường hạ nhiệt sốc, dù không còn chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, bối cảnh năm 2023 vẫn đang có những hệ lụy kinh tế tác động đến khả năng chi trả của người dân, ảnh hưởng rất lớn đến cầu bảo hiểm. Ngoài các lùm xùm xung quanh việc khách hàng tố giác đại lý tư vấn sai, tranh chấp giữa người mua và người bán bảo hiểm gây ảnh hưởng xấu tới niềm tin thị trường.

Thực tế, thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong quý I/2023 và đặc biệt vào giữa tháng 4. Theo số liệu từ hãng phân tích dữ liệu mạng xã hội YouNet ngay giữa tháng 4 cho thấy, số lượng thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội, về livestream của một nữ diễn viên về hợp đồng bảo hiểm và các sự kiện liên quan lớn hơn gấp đôi thảo luận của 16 cuộc khủng hoảng trước đó của ngành bảo hiểm từ năm 2020 đến 2022 cộng lại.

Không chỉ dừng lại ở các cuộc thảo luận, số kiến nghị, phản ánh của người dân về hoạt động bảo hiểm tăng vọt lên gần 500 kiến nghị. Trong đó, Bộ Tài chính phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến kênh bancassurance.

Với các công ty bảo hiểm, dù là thách thức, song giai đoạn này cũng là cơ hội để nhìn nhận lại hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trình bày điều khoản đơn giản hơn và cải thiện chất lượng tư vấn. Năm 2023 cũng đánh dấu Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực và sẽ có thêm các văn bản hướng dẫn. 

Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt nhận định, khung pháp lý mới sẽ giúp thị trường có sự minh bạch, tạo sự chủ động cho công ty bảo hiểm trong thiết kế sản phẩm, có các biện pháp chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người được bảo hiểm.

Trước đó, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã nhận định, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin lớn nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển. Nếu doanh nghiệp không tìm cách khắc phục thì sẽ rất khó tồn tại và phát triển.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy hiện cả thị trường có khoảng 730.000 đại lý bảo hiểm chính thức; trong đó, kênh bancassurance đang mang về nguồn thu lớn.Trong năm 2022 có 995.400 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance, chiếm 46% doanh số khai thác mới. Lũy kế đến hết năm 2022, có hơn 2,92 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán theo hình thức này, với tổng phí 44.959 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh số.

Sự tăng trưởng nóng của kênh bancassuarance thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Nhiều người dân cho biết bị ngân hàng ép mua bảo hiểm khi tới vay vốn; thậm chí không ít người phản ánh bị "lừa" từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ...

Theo ông Ngô Trung Dũng, Hiệp hội cũng đã ghi nhận những phản ánh về chất lượng tư vấn, chất lượng dịch vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng như những hạn chế liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng.

Kể từ khi có mặt ở thị trường Việt Nam năm 1996 đến nay, đây là lúc ngành bảo hiểm nhân thọ đối mặt với khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử. Các doanh nghiệp bảo hiểm đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề, nếu không tự điều chỉnh, nâng cấp hơn nữa về quy trình, nghiệp vụ thì sẽ rất khó tồn tại và phát triển.

Tin Cùng Chuyên Mục