Nguyễn Bá Cảnh - CEO Dat Bike: “Không có sản phẩm cốt lõi, doanh nghiệp khó tồn tại”

Sinh sống tại Mỹ hơn 10 năm, doanh nhân Nguyễn Bá Cảnh đã phải vừa học và vừa tìm kiếm cơ hội kinh doanh để thoả mãn niềm đam mê của mình. Dù nhận được rất nhiều lời mời làm việc từ các tập đoàn lớn tại Mỹ nhưng nam doanh nhân vẫn quyết tâm về Việt Nam khởi nghiệp với thương hiệu - Dat Bike.

Anh có thể chia sẻ với DN & PL về câu chuyện kinh doanh với thương hiệu Dat Bike của mình?

Ý tưởng khởi nghiệp Dat Bike đơn giản xuất phát từ mong muốn thay đổi chất lượng không khí tại Việt Nam, nơi bạn bè và người thân của tôi đang phải đối mặt với khói bụi ô nhiễm do các phương tiện chạy xăng xả thải mỗi ngày. Khi tìm ra bài toán giải quyết được vấn đề là xe máy điện kết hợp với công nghệ phần mềm, tôi đã quyết định bắt tay vào thực hiện dự án này.

Nguyễn Bá Cảnh - CEO Dat Bike: “Không có sản phẩm cốt lõi, doanh nghiệp khó tồn tại” - Ảnh 1

Tên gọi “Dat bike” xuất phát từ cách phát âm “That Bike” nghĩa là “chiếc xe đó”. Tôi mong muốn có một cái tên có thể quốc tế hóa nhưng vẫn dễ đọc, dễ nhớ và dễ hiểu cho người Việt. Dat Bike vừa mang trong mình một sự hài hước, chơi chữ, vừa thể hiện được tính cách của thương hiệu là cá tính, chân thành, mạnh mẽ và không cầu kỳ. Ngoài ra, đây cũng là mong muốn của cá nhân tôi khi bắt đầu khởi nghiệp và bất cứ ai khi nhìn thấy chiếc xe sẽ đều phải thốt lên “ồ, nhìn chiếc xe đó kìa”.

Xứ sở cờ hoa như Mỹ tại sao không đủ sức “níu” chân anh ? Và lý do nào khiến anh quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp?

Ở Mỹ, nơi tôi đã dành 10 năm học tập và làm việc đã chứng kiến các startup về xe điện hai bánh giải thể rất nhanh vì thị trường không có mặc dù công nghệ rất phát triển. Còn ở Việt Nam, thị trường xe điện rất lớn nhưng thời điểm đó vẫn chưa sử dụng công nghệ để giải quyết bài toán cốt lõi về vận hành để người tiêu dùng sẵn sàng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Tôi nghĩ vậy thì tại sao mình không trở về Việt Nam, kết hợp những công nghệ tiên tiến sẵn có và một thị trường rất tiềm năng, làm một chiếc xe điện mạnh mẽ và hiệu năng tương tự như xe xăng để việc chuyển đổi không kèm theo đánh đổi, góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm. Cho đến hiện tại, Dat Bike vẫn đang làm khá tốt và bước đầu đón nhận được các dấu hiệu tích cực từ thị trường.

Mỗi khi có khó khăn hay gặp vấn đề gì, tôi và đội ngũ luôn nghĩ rằng đây chính là cơ hội của mình, vì công ty đang phát triển nên mới có những khó khăn như vậy. Và nếu mình giải quyết được những bài toán khó này, công ty sẽ phát triển thêm một vài bậc nữa. May mắn là chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ to lớn từ cộng đồng Dat Bikers - những người có tư duy phát triển bền vững và là những người tiên phong trong cuộc cách mạng xanh hoá thị trường xe hai bánh ở Việt Nam. Cũng bởi vì có được sự tin tưởng của các khách hàng cũng như hiểu rõ được bài toán mà mình đang muốn giải quyết là gì, Dat Bike luôn có thể vượt qua khó khăn để ngày càng phát triển hơn nữa.

Dòng xe điện dự kiến “lên ngôi” trong thời gian tới sẽ trở thành điều kiện thuận lợi cho Dat Bike phát triển?

Chúng ta có thể thấy rằng người tiêu dùng đang bắt đầu quan tâm nhiều hơn về xe điện. Các hãng xe lớn cũng đang dần nghiên cứu để chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ sang sản xuất xe điện. Thị trường xe điện tại Việt Nam cũng vì thế mà trở nên sôi động hơn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, để đại bộ phận người tiêu dùng lựa chọn chuyển từ xe xăng sang xe điện sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa, từ việc thay đổi nhận thức người dùng đến việc nghiên cứu và sản xuất các dòng xe điện đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Thách thức không chỉ dành riêng cho Dat Bike mà còn cho tất cả các hãng xe điện khác tại thị trường Việt Nam đó là làm sao để thay đổi được những định kiến về xe điện như xe điện phải rẻ hơn xe xăng (thực tế trên thế giới xe điện đắt hơn xe xăng rất nhiều), xe điện chậm, yếu, không đi được xa và nhanh hỏng, sạc lâu...). Bên cạnh đó là thách thức phải tạo ra được các dòng xe mạnh mẽ với mức giá mà người tiêu dùng có thể sẵn sàng chi trả.

Dat Bike đang tập trung để cho ra sản phẩm có chất lượng cao và hiệu suất vượt trội, với mức giá hợp lý nhất. Đây là cách chúng tôi góp phần vào sự phát triển chung của ngành xe điện tại Việt Nam.

Điểm nổi bật của thương hiệu xe điện Dat Bike là gì, thưa anh?

Trong “giới” software có một câu là “Không có sản phẩm hoàn hảo” và tôi cũng nghĩ vậy. Các sản phẩm cần được cải tiến liên tục dù đã giao đến khách hàng và đây cũng chính là cách phát triển sản phẩm của Dat Bike.

Chiếc xe mà Dat Bike giao đến tay khách hàng là chiếc xe hoàn hảo nhất tính tại thời điểm đó, nhưng trong quá trình sử dụng, xe vẫn cần được cải tiến một vài điểm để phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng. Những ý kiến đóng góp của khách hàng rất quan trọng với Dat Bike trong quá trình phát triển và nâng cấp sản phẩm. Đó là lý do mà Dat Bike tích hợp theo chiều dọc (làm chủ từ nghiên cứu, phát triển, sản xuất cho đến phân phối trực tiếp đến khách hàng), giúp cho khoảng cách giữa khách hàng và nhóm phát triển sản phẩm gần nhất, để cải tiến nhanh nhất. Trên thực tế, các đợt giao xe sau này của Dat Bike luôn có những cải tiến dựa trên phản hồi của khách hàng nhận xe trước đó.

Nguyễn Bá Cảnh - CEO Dat Bike: “Không có sản phẩm cốt lõi, doanh nghiệp khó tồn tại” - Ảnh 2

Đến thời điểm hiện tại, anh có cho rằng Dat Bike đã thành công khi khẳng định được chỗ đứng vững chắc trong lòng khách hàng?

Hiện tại, bằng chất lượng sản phẩm đã được khẳng định, chúng tôi đã có nhiều khách hàng hơn, nhiều người ủng hộ hơn. Khi biết Dat Bike sắp ra mẫu mới, có người sẵn sàng đặt cọc dù chưa nhìn thấy bất kỳ thiết kế hay thông số kỹ thuật nào của xe. Chúng tôi đã có nhiều người bạn đồng hành hơn trên hành trình chuyển đổi tất cả xe máy xăng thành xe máy điện.

Ba năm khởi nghiệp với khá nhiều thử thách, tôi cũng học thêm được nhiều điều về cách thức quản lý và vận hành, những thứ mà cách đây 5 - 10 năm với tôi chỉ là con số 0. Tôi cũng nhận ra rằng, điều quan trọng hơn hết là phải tạo ra một sản phẩm thật sự chất lượng và giải quyết được bài toán mà người tiêu dùng đang gặp phải. Nếu không có sản phẩm là cốt lõi thì doanh nghiệp không thể tồn tại và phát triển bền vững được.

Xin cảm ơn anh!

 

“Tôi cũng nhận ra rằng, điều quan trọng hơn hết là phải tạo ra một sản phẩm thật sự chất lượng và giải quyết được bài toán mà người tiêu dùng đang gặp phải. Nếu không có sản phẩm là cốt lõi thì doanh nghiệp không thể tồn tại và phát triển bền vững được...”

Tin Cùng Chuyên Mục