Nhà đầu tư chứng khoán nên làm gì khi bị “kẹp hàng”?

Hà Linh

Ở một thị trường nhiều biến động như chứng khoán Việt Nam, chuyện “vô tình lướt sóng thành cổ đông” không hề hiếm gặp và không phải nhà đầu tư nào cũng có cách xử lý phù hợp khi rơi vào tình cảnh này.

Sau thời gian bền bỉ đi lên kéo dài nhiều tháng, thị trường chứng khoán đã bước vào giai đoạn khó khăn khi áp lực chốt lời luôn trực chờ trên diện rộng. Những phiên giảm điểm mạnh bắt đầu xuất hiện dày đặc hơn, tình trạng “trắng bên mua” cũng trở nên phổ biến trên nhiều nhóm cổ phiếu tăng nóng trước đó.

Cổ đông đang nắm giữ những cổ phiếu này có lẽ cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi nhìn tài khoản bay hơi trong phút chốc. Đối với những nhà đầu tư “đến muộn”, đu theo khi giá đã tăng mạnh lên đỉnh nhiều tháng, tình trạng “kẹp hàng” là điều khó tránh khỏi.

Thực tế, ở một thị trường nhiều biến động như chứng khoán Việt Nam, chuyện “vô tình lướt sóng thành cổ đông” không hề hiếm gặp. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có cách xử lý phù hợp khi rơi vào tình cảnh này.

Bình tĩnh phân tích, tránh hoảng loạn

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để xử lý tài khoản khi bị “kẹp hàng”, đầu tiên nhà đầu tư cần phân tích trạng thái thị trường. Nếu thị trường giảm mạnh cần xác định đó là điều chỉnh giảm cục bộ hay thị trường đang bước vào downtrend.

Thông thường, những phiên điều chỉnh giảm cục bộ thì phiên tiếp theo sau đó sẽ là phiên hồi và volume thị trường khá lớn. Khi đó, nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ tiếp lượng hàng cổ phiếu có trong danh mục. Tuy nhiên, nếu như thị trường những phiên sau vẫn giảm với volume yếu thì nhà đầu tư cần cẩn trọng và tuyệt đối tránh việc bắt đáy cổ phiếu.

Khi cổ phiếu đang trong đà lao dốc, việc quan trọng nhất là tỉnh táo, bình tĩnh và phân tích kỹ lưỡng để tìm hướng xử lý. Rất khó để có một giải pháp hoàn hảo nhưng nhà đầu tư có thể tham khảo một số chiến lược giao dịch khi bị “kẹp hàng” nhằm giảm thiểu tổn thất:

Chấp nhận đau thương, cắt lỗ triệt để

Việc chấp nhận cắt lỗ khi đang “kẹp” là điều không hề dễ dàng bởi những quan điểm “chưa bán là chưa lỗ” hoặc “cổ phiếu rồi sẽ mau chóng hồi phục”. Những quan điểm trên là không sai, nhưng cần phải hướng đến đối tượng “kẹp” là nhà đầu tư dài hạn hay nhà đầu cơ lướt sóng.

Trên sàn chứng khoán, phần đông nhà đầu tư là cá nhân và đầu cơ lướt sóng. Do đó, việc chấp nhận cắt lỗ càng nhanh càng tốt sẽ giúp họ bảo toàn được nguồn vốn. Nếu như cổ phiếu giảm 10%, thì cần tăng 11% mới trở lại giá vốn ban đầu. Thua lỗ 50% thì cần phải tăng gấp đôi mới hòa vốn mà trên thực tế, để cổ phiếu tăng gấp đôi là không hề dễ dàng.

Theo các chuyên gia trên TTCK, thua lỗ tối đa 7% có thể coi là mức phù hợp để cắt lỗ, tất nhiên con số này chỉ đúng với các nhà đầu tư ngắn hạn. Tuy vậy, phương pháp chấp nhận đau thương và cắt lỗ có lẽ chỉ dễ thực hiện với mức thua lỗ nhỏ, dưới 10%. Còn nếu thua lỗ lớn, trên 10% mà vẫn bị “kẹp” thì sẽ khó xử hơn rất nhiều.

Cắt lỗ một phần, giảm áp lực tâm lý

Trong nhiều trưởng hợp, khi mức thua lỗ lớn vượt trên 10%, nhà đầu tư có tâm lý muốn cắt nhưng lại sợ bán trúng đáy nên thường không biết xử lý ra sao. Kết quả, thị trường xấu thêm và khoản thua lỗ ngày càng lớn. Với tình huống này, một phương án dung hòa những vấn đề của nhà đầu tư là bán ra một phần danh mục bằng mọi giá, phần còn lại tiếp tục nắm giữ tùy cơ ứng biến.

Nếu thị trường diễn biến xấu tiếp, chúng ta có thể cân nhắc bán tiếp phần còn lại, hoặc tiếp tục nắm giữ trở thành “nhà đầu tư dài hạn”. Nhưng ít nhất mức thua lỗ lúc này không còn lớn như việc nắm giữ nguyên danh mục và áp lực tâm lý cũng nhẹ bớt. Phương pháp này phần nào giúp giảm áp lực tâm lý cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường diễn biến xấu mà lỡ “kẹp” giá cao.

Trong trường hợp thị trường hồi phục, ít nhất nhà đầu tư cũng có sẵn cổ phiếu trong tay, không lo “mất hàng”. Đồng thời, một phần tiền được bảo toàn sau khi cắt lỗ có thể được sử dụng để giải ngân trở lại khi thị trường ổn định hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.

Thêm nữa, nhà đầu tư cũng cần đặc biệt cẩn trọng khi bình quân giá. Đây là thực tế là một chiến lược giao dịch mạo hiểm, vốn chỉ dành cho những cổ phiếu tốt và vẫn còn tiềm năng tăng giá. Còn đối với những cổ phiếu đầu cơ, đà giảm sâu giảm sốc hoàn toàn có thể tiếp diễn, việc “xuống tiền” bắt đáy sẽ khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.

“Chịu đòn” chờ bão tan

Một phương án khác mà nhà đầu tư chứng khoán lỡ “kẹp hàng” có thể cân nhắc là việc tiếp tục “gồng” chờ sóng gió qua đi. Thực tế cho thấy về dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn luôn có xu hướng tăng trưởng và do đó, nhà đầu tư nếu chưa kịp thoát hàng có thể tiếp tục nắm giữ và chờ đợi thị trường hồi phục.

Tuy nhiên, phương pháp này không hề dễ thực hiện bởi còn phụ thuộc vào cổ phiếu nắm giữ thuộc loại nào. Trong các nhịp thị trường giảm mạnh, đa phần cổ phiếu tốt, xấu khó tránh khỏi áp lực điều chỉnh. Nhưng khi thị trường hồi phục trở lại, những cổ phiếu tốt sẽ hồi phục nhanh chóng và thậm chí tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới. Trong khi đó, những cổ phiếu đầu cơ đơn thuần thường sẽ tiếp tục downtrend và không biết khi nào mới có thể trở lại.

Do đó, để đưa ra quyết định tiếp tục nắm giữ hay không, nhà đầu tư cần có đánh giá tổng quan về triển vọng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tốt, nhà đầu tư có thể bỏ qua những biến động trong ngắn hạn và chờ đợi sự hồi phục của thị trường.

Còn nếu đang “lướt sóng” các cổ phiếu đầu cơ đơn thuần với nền tảng cơ bản không quá tốt và bị “kẹp” thì nhà đầu tư có lẽ nên chấp nhận đau thương và cắt lỗ càng sớm càng tốt. Bởi việc giữ lại những cổ phiếu này trong ngắn hạn hay trung hạn cũng rất khó để có thể hồi về đỉnh cũ.

Thận trọng với margin

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến vấn đề sử dụng margin. Đây là “con dao hai lưỡi” giúp nhà đầu tư gia tăng nhanh chóng các khoản lãi trong uptrend nhưng cũng làm trầm trọng hơn những khoản lỗ khi cổ phiếu giảm.

Ngay cả khi đang ôm cổ phiếu được đánh giá tốt, nhà đầu tư cũng khó có thể “gồng” dài hạn bởi khoản lãi margin phải gánh là không hề nhỏ. Chưa kể, hoạt động ép bán (force sell) khi cổ phiếu đến ngưỡng quy định của công ty chứng khoán cũng sẽ khiến nhà đầu tư “đau đầu”.

Tin Cùng Chuyên Mục