ĐHĐCĐ 2024 Vinamilk (VNM): Đặt mục tiêu doanh thu cao kỷ lục, duy trì cổ tức 3.850 đồng/cp trong 2024

Trung Hiếu

Năm 2024, Vinamilk lên kế hoạch tổng doanh thu 63.163 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.376 tỷ; tăng lần lượt 4,4% và 4% so với thực hiện năm 2023. Đây sẽ là mức doanh thu cao kỷ lục của doanh nghiệp nếu đạt được.

Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu cao kỷ lục, duy trì cổ tức 3.850 đồng/cp trong 2024
Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu cao kỷ lục, duy trì cổ tức 3.850 đồng/cp trong 2024

Dự kiến duy trì cổ tức 3.850 đồng/cp trong 2024

Chiều ngày 25/4, Công ty cổ phần sữa Việt Nam – Vinamilk (mã ck: VNM) tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2024. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc báo cáo năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu 60.479 tỷ đồng, tương đương thực hiện 2022; lãi sau thuế 9.019 tỷ đồng, tăng 5,1%.

Với kết quả này, “ông lớn” ngành sữa sẽ chia cổ tức tỷ lệ 38,5% bằng tiền mặt, tương đương mức chi trả 8.046 tỷ đồng. Công ty đã chốt danh sách và tạm ứng cho 29%, 9,5% còn lại sẽ thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2024.

Với năm 2024, công ty lên kế hoạch gồm doanh thu 63.163 tỷ đồng, tăng 4,4% và lãi sau thuế 9.019 tỷ đồng, tăng 5,1%. Tỷ lệ cổ tức duy trì 38,5%. Bà Liên cho biết quý I, tổng doanh thu công ty tăng 1,2% và lợi nhuận sau thuế tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Năm nay, Vinamilk lên kế hoạch tổng doanh thu 63.163 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.376 tỷ; tăng lần lượt 4,4% và 4% so với thực hiện năm 2023. Đây sẽ là mức doanh thu cao kỷ lục của doanh nghiệp nếu đạt được.

Nói về 2023, bà Mai Kiều Liên chia sẻ với cổ đông: “Năm 2023 phản ánh những gam màu trái ngược. Một mặt sức tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng nhanh đã suy giảm đáng kể. Tăng trưởng âm trong 6 tháng cuối năm do thách từ kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Mặt khác, chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch đã ổn định trở lại giúp chúng ta kiểm soát các chi phí sản xuất hiệu quả hơn. Trong bối cảnh đó, Vinamilk đã tận dụng mọi lợi thế để hoàn thành cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh”.

Tổng Giám đốc Vinamilk nói thêm: "Tôi tin rằng Vinamilk đang trong thời điểm lý tưởng để thay đổi và tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới, vượt qua các thách thức trước mắt và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng một cách hiệu quả nhất".

Về phương án phân phối lợi nhuận, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 đã phê duyệt kế hoạch chi cổ tức bằng tiền năm 2023 là tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của công ty. Căn cứ vào Nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên 2023, HĐQT đã thực hiện tạm ứng cổ tức hai đợt và sắp thanh toán đợt ba vào ngày 26/4. Tổng tỷ lệ tạm ứng của ba đợt là 29% bằng tiền (2.900 đồng/cp).

Căn cứ theo kết quả kinh doanh năm 2023, HĐQT trình ĐHĐCĐ phê duyệt cổ tức đợt cuối năm 2023 với tỷ lệ 9,5%, tương đương 950 đồng/cp.Giao HĐQT quyết định ngày chốt danh sách/ngày đăng ký cuối cùng và ngày chi trả, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày 25/4.

Như vậy, tổng cổ tức là của năm tài chính 2023 là 38,5% mệnh giá, tương đương 8.046 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức là 91% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của công ty.Năm 2024, Vinamilk đề xuất tổng mức cổ tức là 38,5% mệnh giá, tương đương 3.850 đồng/cp. Nguồn chi trả là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của báo cáo tài chính quý hợp nhất gần nhất so với ngày đăng ký cuối cùng của từng đợt tạm ứng.

Ngoài ra, trong buổi họp này, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ phê duyệt tổng thù lao và các lợi ích năm 2024 cho HĐQT là 25 tỷ đồng với cơ cấu 11 thành viên. Thù lao và các lợi ích cho HĐQT sẽ được tính và chi trả tương ứng với số lượng thành viên thực.

Thời điểm để thay đổi và tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới

Trong thông điệp gửi cổ đông ở báo cáo thường niên 2023, bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc nhận định: "Năm 2024, với kỳ vọng tình hình vĩ mô sẽ cải thiện, chúng tôi dự kiến doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục phục hồi thị phần và doanh số bán hàng một cách bền vững và có lợi nhuận. Đó là lý do chúng tôi sẽ duy trì sự tập trung vào các giải pháp tối ưu vận hành để có thêm ngân sách phục vụ phát triển thị trường và củng cố sức mạnh thương hiệu".

Về hoạt động kinh doanh, doanh thu công ty đã đi ngang nhiều năm. Bà Liên chia sẻ doanh thu ngành sữa tăng chậm, nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng như kinh tế đi xuống, sức mua sản phẩm sữa tăng trưởng âm, ngay cả năm nay vẫn âm. Bản thân công ty đang thực hiện đổi mới như thay đổi nhận diện thương hiệu, chuyển đổi số…, ưu tiên hàng đầu là phục hồi thị phần và doanh số bán hàng bền vững có lợi nhuận.

“Đổi mới sáng tạo là chủ đề xuyên suốt thời gian tới. Vinamilk đang trong thời điểm lý tưởng để thay đổi và tạo ra chu kỳ tăng trưởng mới, vượt qua thách thức nắm bắt cơ hội”, lãnh đạo Vinamilk chia sẻ.

Đồng thời, Vinamilk sẽ đi 2 chân vừa nội địa, vừa xuất khẩu. Công ty đã xuất khẩu được hơn 60 quốc gia. Vinamilk mới bước vào thị trường Trung Quốc và khá kỳ vọng do xuất khẩu những sản phẩm độc đáo. Với Trung Đông, công ty cũng phát triển được sản phẩm sữa bột trẻ em cho nhiều nước tại khu vực này.

Bà Liên tiết lộ tin vui cho xuất khẩu là trong 4 tháng đầu năm đã tăng 14%.Bên cạnh ngành kinh doanh sữa chủ đạo, công ty cũng khai thác cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới thông qua các hoạt động mua bán & sáp nhập, liên doanh hoặc đầu tư mạo hiểm.

Việc hợp tác liên doanh dự án bò thịt và thành lập công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật với đối tác Sojitz Corporation (Nhật Bản) là ví dụ. Vinamilk đang tìm kiếm các quỹ đất phù hợp để mở rộng quy mô trang trại bò sữa tại Việt Nam.CEO cho biết khi dự án thịt bò với Sojitz đi vào hoạt động ổn định dự kiến đem lại doanh thu 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tin Cùng Chuyên Mục