“Nhà quản trị phải biết chọn người giao việc”

Hiền Hương

"Khi mỗi bộ phận đều làm tốt vai trò của mình thì công ty sẽ hoạt động nhịp nhàng, nhất quán từ đó tạo ra sự trật tự và ổn định", chị Bùi Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Đan Việt chia sẻ.

 
“Không một nhà quản trị nào có thể làm mọi việc cùng lúc mà đem lại chất lượng công việc cao. Vì vậy, để phát triển doanh nghiệp, việc phân cấp, phân quyền cho cấp dưới là một điều tất yếu và doanh nghiệp của tôi cũng không ngoại lệ”

Chào chị, danh hiệu Nữ hoàng Quyền năng phái đẹp 2015 đã đem đến cơ hội gì cho chị trong kinh doanh cũng như cuộc sống?

Sau khi đăng quang, cuộc sống và công việc của tôi có những thay đổi nhất định. Tôi được người thân trong gia đình cũng như đồng nghiệp tin yêu hơn và họ sẵn sàng chia sẻ, tham gia ý kiến cùng tôi. Bản thân tôi từ đó cũng được học hỏi, tiếp xúc thông tin và kết nối với cộng đồng tốt hơn.

Về công việc, có thêm nhiều đối tác chủ động tìm đến tôi và mong muốn được hợp tác. Cơ hội phát triển kinh doanh mở ra nhiều hơn nhưng bên cạnh đó tôi cũng phải chịu thêm khá nhiều áp lực. Tôi luôn tự nhủ lòng phải phấn đấu, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng và hoàn thiện mình hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu này.

“Nhà quản trị phải biết chọn người giao việc” - Ảnh 1

 Nữ hoàng Quyền năng phái đẹp 2015 Bùi Thị Thanh Nhàn

 Hiện nay, mọi người thường hay đề cao quyền lực mềm của nữ doanh nhân thời hiện đại, chị có cho rằng đây chính là thế mạnh của mình không? Và cách chị thể hiện điều đó thế nào?

Tôi nghĩ rằng quyền lực mềm chính là ưu thế vàng của bất kỳ nữ doanh nhân nào, bởi phụ nữ thường tinh tế, sắc sảo và nhạy cảm hơn đàn ông. Điều quan trọng là họ phải biết tối ưu hóa những lợi thế sẵn có của mình, kết hợp hài hòa quyền lực mềm với kiến thức và kỹ năng kinh doanh.

Quyền lực mềm được thực hiện thông qua sự hấp dẫn, thu hút và thuyết phục. Vì vậy, với ưu thế của phụ nữ, tôi luôn cố gắng tạo ra sự lôi cuốn tình cảm và lòng trung thành từ người khác bằng việc tạo dựng tốt các mối quan hệ đối nội, đối ngoại trong công ty. Ngoài ra tôi còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng và xây dựng uy tín cá nhân nữa.

Được biết chị thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Đâu là động lực thôi thúc chị thực hiện các chương trình này?

Có lẽ là do tôi là một người hay động lòng trắc ẩn. Hơn nữa, bởi thường xuyên được đi đây, đi đó và có nhiều mối quan hệ xã hội nên tôi được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều cảnh đời cơ cực, bần hàn... Mỗi khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, tôi thấy rất xót xa, do đó tôi luôn cố gắng để có thể làm vơi đi phần nào những nỗi khổ của họ. Tất nhiên những gì tôi đã làm được chỉ là một nét vẽ trong bức tranh nhân ái của cộng đồng. Tôi luôn hy vọng sẽ có thật nhiều những tấm lòng tương thân tương ái trong xã hội để cuộc đời này trở nên tươi đẹp và ý nghĩa hơn.

“Nhà quản trị phải biết chọn người giao việc” - Ảnh 2

 Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Đan Việt

Theo chị, phân cấp, phân quyền trong quản trị doanh nghiệp sẽ giúp công ty ổn định trật tự thế nào?

Theo tôi, việc phân cấp, phân quyền có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Nó không chỉ giảm tải khối lượng công việc cho người lãnh đạo mà còn có thể phát huy tối đa khả năng của nhân viên cấp dưới. Không một nhà quản trị nào có thể làm mọi việc cùng lúc mà đem lại hiệu quả công việc cao. Vì vậy để phát triển doanh nghiệp, việc phân cấp, phân quyền cho cấp dưới là điều tất yếu và doanh nghiệp của tôi cũng không ngoại lệ.

Thông qua việc làm này, từng bộ phận và cá nhân được phân rõ về chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt là các đầu việc quan trọng được xác lập quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng do đó người được giao việc phải tập trung tinh thần cao độ để đạt được hiệu quả tốt nhất. Khi mỗi bộ phận đều làm tốt vai trò của mình thì công ty sẽ hoạt động nhịp nhàng, nhất quán từ đó tạo ra sự trật tự và ổn định.

Trong công ty của chị sự phân cấp, phân quyền được thể hiện ra sao để không gặp phải tình trạng “dẫm chân lên nhau”?

 Mỗi cấp bậc trong cơ cấu tổ chức của công ty tôi đã được xác định rõ ràng theo chức năng và nhiệm vụ nên không có tình trạng “dẫm chân lên nhau”.

 Với những công việc đột xuất và có tính phức tạp liên quan đến nhiều bộ phận hay cá nhân thì bản thân tôi trực tiếp chỉ đạo, hoặc đôi khi phải phân công quyền hạn tạm thời để giải quyết công việc. 

“Nhà quản trị phải biết chọn người giao việc” - Ảnh 3

Mỗi cấp bậc trong cơ cấu tổ chức của công ty tôi đã được xác định rõ ràng theo chức năng và nhiệm vụ nên không có tình trạng “dẫm chân lên nhau” 

Trước khi phân quyền cho cấp dưới, chị đưa ra những tiêu chí cụ thể gì?Và làm sao để việc ủy quyền hay trao quyền phát huy được hiệu quả, thưa chị?

Để phân cấp, phân quyền phát huy hiệu quả, tôi phải đề ra một số nguyên tắc nhất định như phải đúng và đủ chức năng để tránh bỏ sót hoặc chồng chéo công việc; Phân quyền theo thời hạn nhất định để kích thích nhân viên làm việc, nhất là trong trường hợp phân quyền đi kèm việc trao quyền lợi; Tiếp đến là phải song song trách nhiệm và giới hạn để tránh tình trạng lộng quyền; Có quy định rõ về yêu cầu công việc cũng như những chuẩn mực để đánh giá hoàn tất công việc; Cuối cùng là định kỳ xem xét hiệu quả của việc phân cấp, phân quyền để có thể điều chỉnh kịp thời khi thấy không phù hợp.

Việc ủy quyền hay trao quyền đạt được hiệu quả thế nào phụ thuộc vào khả năng phán đoán của nhà quản trị. Người quản lý phải biết cách chọn người giao việc. Tôi luôn đánh giá đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình quản lý và không bao giờ bỏ sót hay lơ là.

Tin Cùng Chuyên Mục