Nông nghiệp công nghệ cao: Để doanh nghiệp không “bỏ của chạy lấy người”

THANH THANH

Đầu tư 8 tỷ đồng để trồng hoa nhà kính nhưng khi lấy vườn hoa đó để thế chấp ngân hàng chỉ vay được 70 triệu đồng. Nhiều chính sách không đi vào thực tế cuộc sống, thậm chí cản trở DN đầu tư vào nông nghiệp…

Nông nghiệp cần doanh nghiệp

Nổi tiếng với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, song Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), ông Lê Bá Thành vẫn không khỏi lo lắng khi việc tiêu thụ đặc sản này vẫn chủ yếu qua hộ gia đình.

“Muốn bền vững hơn thì vai trò của DN không thể thiếu được. Tuy nhiên, hầu hết các DN đầu tư vào Lục Ngạn chủ yếu ở các khâu phụ trợ như bao bì, đóng gói, chứ chưa tham gia vào khâu tiêu thụ...”, ông Thành chia sẻ.

Từng giúp tỉnh Thái Bình xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp - nông thôn cho biết, Thái Bình rất mạnh về nông nghiệp nhưng mới ở khâu sản xuất.

Theo ông, giai đoạn trước phát triển tốt nhưng hiện nay vẫn chỉ ở mức bình thường, không có sự đột phá do thiếu vắng vai trò của DN.

Nông nghiệp công nghệ cao: Để doanh nghiệp không “bỏ của chạy lấy người” - Ảnh 1
lNông nghiệp cần doanh nghiệp để tạo sự đột phá. (Ảnh minh họa)

“Hiện chúng ta đang đứng trước nền kinh tế hội nhập, người nông dân rất cần cù, cần mẫn, nhưng không phải ai cũng ứng dụng được KHCN, tiếp cận được thị trường, vì vậy rất cần vai trò của DN...”, ông Thắng khẳng định.

Ông cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, trong việc tiếp cận, tìm kiếm cơ hội, kinh tế hộ, HTX không thể làm tốt việc này hơn DN...

Chủ tịch HĐQT CTCP Giống cây trồng Thái Bình, ông Trần Mạnh Báo nhớ lại: “Tôi còn nhớ, trong một cuộc triển khai sản xuất năm 2001, khi đó tôi và một số DN nông nghiệp có tham gia, có đại biểu hỏi “đưa mấy con buôn ra đây làm gì?” nhưng bây giờ chính huyện đó lại yêu cầu DN về nhiều nhất...".

Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Ủy viên BCH TW Hội Nông dân Việt Nam, người “đứng về phía bà con nông dân nhìn lên”, theo lời ông, bà con luôn phát huy được nhiều tiềm năng nhưng lâu nay tiềm năng đó chưa được phát huy hết.

Ông khẩn thiết: “Chúng tôi rất mong muốn DN “cứu” bà con nông dân để tháo nhanh khó khăn trước mắt, để sản phẩm của người nông dân sản xuất có lãi!”

Doanh nghiệp - Vẫn “vọng” từ xa...

Dưới góc độ DN, bà Nguyễn Thị Lan Hương, TGĐ CTCP Việt Phúc cho rằng cơ hội đầu tư vào nông nghiệp ở nước ta rất lớn và với những kinh nghiệm điều hành DN thành công, rất nhiều DN muốn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng không biết bắt đầu từ đâu và đầu tư vào cái gì?

Theo bà Hương, cái khó trong nông nghiệp hiện nay là xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ DN đến người nông dân sản xuất và HTX. Nếu HTX chỉ dưạ theo mô hình hiện tại thì không khác gì “xin cho” nên cần phải xây dựng mô hình HTX kiểu mới để DN và nông dân cùng hợp tác bền vững.

Ví dụ chuỗi cung ứng rau sạch tại các địa phương. Đất nông dân có thể cho mượn, cho thuê với giá thấp nhưng khi DN vào thuê thì tăng giá cho thuê gấp 3-4 lần, nếu DN làm tốt thì họ lại đòi tăng giá.

Đây là thực trạng mà hầu hết các DN nông nghiệp đang đối mặt. Theo ông Nguyễn Lân Hùng, hiện nay, nhiều DN muốn gặp gỡ nông dân, nắm được sản phẩm thế mạnh, triển vọng nhưng lại gặp nhiều trở ngại.

Ví dụ như 1 bộ da đà điểu trị giá khoảng 400 USD, người nông dân nuôi được nhưng da lại không thuộc được. Nếu DN có thể nhìn thấy tiềm năng đó, bắt tay vào đầu tư thì chắc chắn có hiệu quả.

Ông Phùng Văn Huy, TGĐ Cty Huy Hoàng, DN mới tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp với việc sản xuất phân bón hữu cơ cho biết, chủ trương của Nhà nước nói nhiều tới nông nghiệp công nghệ cao (CNC), đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, thế nhưng hiện nay chưa có được bộ quy chuẩn nào về nông nghiệp hữu cơ mà mới chỉ là đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện.

Bản thân DN đã tự định ra tiêu chuẩn hữu cơ cho sản phẩm trong nước, sản phẩm được đánh giá cao từ phía các đơn vị sử dụng, nhưng không có chính sách nào hỗ trợ một cách trực tiếp cho DN.

“Các sản phẩm hiện nay trên 10.000 đến 20.000 đồng/kg nhưng với sản phẩm của chúng tôi là 100% hữu cơ nhưng giá thành chỉ bằng 1/3...”- ông Huy ngán ngẩm.

Chủ tịch HĐQT CTCP Giống cây trồng Thái Bình, ông Trần Mạnh Báo chỉ ra một bất cập trong chính sách thuế, đó là nhập thiết bị chế biến lúa gạo miễn thuế, nhưng nhập thiết bị chế biến CNC mất thuế (!?)

Gỡ từ đâu?

Ông Ngô Tiến Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội các DN Ứng dụng CNC trong Nông nghiệp nêu lên một thực tế là nhiều DN không hào hứng để có được chứng nhận về DN CNC.

“Có DN chia sẻ, đã đầu tư 8 tỷ đồng để trồng hoa nhà kính nhưng khi lấy vườn hoa đó để thế chấp ngân hàngchỉ vay được 70 triệu... Vậy nếu không có đất, không có vốn làm sao DN có thể đầu tư vào nông nghiệp?”, ông Dũng băn khoăn.

Tổng Thư ký Hiệp hội các DN Ứng dụng CNC trong Nông nghiệp cho rằng công nghệ là vấn đề then chốt trong phát triển nông nghiệp, tuy nhiên hiện DN đang thiếu đất, thiếu vốn, thiếu chính sách.

“Nếu giải quyết được vấn đề này cần xây dựng chính sách đồng bộ và cởi trói để DN đầu tư sản xuất…”-.ông Dũng đề nghị.

Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp - nông thôn, ông Trần Công Thắng thừa nhận: “Chính sách của chúng ta có nhưng không đi được vào thực tế cuộc sống!”. Ông cho biết, khảo sát của Viện cho thấy hầu hết các DN đều không được hưởng những ưu đãi từ chính sách của nhà nước, chỉ một số ít tỉnh như Thái Bình, có một số ít DN được hưởng.

Không những thế, đại diện cơ quan QLNN này cũng thừa nhận, bản thân các chính sách hiện tại đã cản trở sự phát triển của DN. Ví dụ chính sách về đất đai. Nếu để DN thuê đất thì giá rất đắt, vì vậy, đã có nhiều DN thuê đất kinh doanh nhưng chỉ làm được một vụ rồi bỏ...

Theo Chủ tịch HĐQT CTCP Giống cây trồng Thái Bình, ông Trần Mạnh Báo, chúng ta hiện có những chính sách không hợp lý và nhận thức của hệ thống hành chính cũng không nhất quán. Để DN đầu tư vào nông nghiệp không “bỏ của chạy lấy người”, ông đề nghị, cần phải cải cách TTHC mạnh hơn nữa.

“Tôi đề nghị toàn bộ bộ máy TTHC quốc gia hãy thực hiện đúng Nghị quyết 19 mà Chính phủ đã đề ra. Còn các DN hãy chủ động hội nhập. DN đầu tư vào nông nghiệp rất rủi ro, do đó, DN cần có tầm, xác định khả năng của mình để đảm bảo cho người nông dân yên tâm sản xuất... ”- Ông Báo đề xuất.

Doanh nghiệp muốn thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao

Ông Ngô Tiến Dũng,Tổng Thư ký Hiệp hội các DN Ứng dụng CNC trong Nông nghiệp cho biết, tại hội nghị về nông nghiệp tổ chức hôm 3/12, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu CNC và phê duyệt cho 2 dự án ở 2 tỉnh.

Tuy nhiên nhiều tỉnh có mặt trong hội nghị đều muốn Thủ tướng phê duyệt vì tỉnh không muốn bỏ ngân sách ra, trong khi đó Nhà nước lại không đủ tiền để hỗ trợ cho 63 tỉnh thành. Theo ông Dũng, có một thực tế là khi thành lập khu CNC và mời DN vào đầu tư thì họ không muốn vào vì giá cao.

Do đó có đề xuất là không thành lập khu CNC nữa mà nên thành lập khu nông nghiệp CNC để mời DN vào thì khi đó DN sẽ tự nguyện tham gia và xây dựng hình thức liên kết kinh doanh và sản xuất theo quy trình của họ...

Tin Cùng Chuyên Mục