Ông Nguyễn Bá Dương: 'Từ nay không bàn chuyện sáp nhập Ricons'

Theo Phương Đông/VnExpress

Coteccons (mã chứng khoán: CTD) không biểu quyết tờ trình sáp nhập Ricons do tranh luận gay gắt giữa nhà đầu tư Singapore và cổ đông nhỏ.

Phương án sáp nhập doanh nghiệp thành viên là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons vào Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD nắm 14,87% cổ phần Ricons) tiếp tục trở thành tâm điểm tranh luận giữa các nhóm cổ đông tại phiên họp thường niên sáng 9/4, dù vấn đề này từng được bàn thảo nhiều lần trước đó.

Hàng loạt cổ đông giơ tay yêu cầu quyền phát biểu ngay khi phần hỏi đáp bắt đầu. Phần lớn nội dung đều xoay quanh việc chất vấn Kustocem (Singapore), cổ đông đang nắm giữ 17,75% vốn Coteccons, thay vì đề nghị ban lãnh đạo công ty giải thích phương án mới công bố.

Ông Đoàn Công Nam (nhà đầu tư tại TP HCM) cho biết rất bức xúc về cách hành xử của Kustocem khi thông báo sẽ không thông qua phương án sáp nhập chỉ một ngày trước khi phiên họp thường niên diễn ra.

"Kustocem trước đây thắc mắc cho Ricons hoạt động riêng thì sau này sáp nhập thế nào. Vậy tại sao đến nay Coteccons muốn sáp nhập lại không đồng ý, dù có thể thấy lợi ích trước mắt là quy mô doanh nghiệp lớn lên và bao phủ tất cả phân khúc thị trường. Tôi thực sự thất vọng vì hai bên có một năm bàn luận nhưng đến nay vẫn không thống nhất", ông Nam gay gắt.

Một số cổ đông nhỏ cũng cho rằng việc Kustocem phủ quyết phương án sáp nhập hiện tại vì nguyên nhân sâu xa là muốn thâu tóm Coteccons, tương tự cách làm với Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp (Descon) và Công ty cổ phần Beton6. Họ yêu cầu nhà đầu tư này trình bày đã đóng góp những gì cho Coteccons trong 7 năm góp vốn vào đây.

Đại diện Kustocem ngay sau đó đề nghị trả lời bằng tiếng Anh với phiên dịch riêng. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Coteccons - Nguyễn Bá Dương nhanh chóng ngắt lời và yêu cầu sử dụng người phiên dịch chung của phiên họp.

Nội dung trả lời của đại diện nhà đầu tư đến từ Singapore không khác nhiều so với thông báo đăng trên website trước đó. Cụ thể, Kustocem không thấy được tính hợp lý và chiến lược rõ ràng với thương vụ mua bán sáp nhập với Ricons. Thương vụ này cũng không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động của Coteccons hiện tại. Thay vào đó, Kustocem đề xuất ban lãnh đạo tập trung vào giá trị cốt lõi của công ty là xây dựng và sắp tới có thể mở rộng sang đầu tư bất động sản.

"Sử dụng cổ phiếu để chi trả cho các thương vụ M&A không hợp lý đến khi hiệu quả hoạt động tài chính của Coteccons khởi sắc hơn và giá cổ phiếu đạt đến giá trị thực xứng đáng. Kustocem sẽ không đưa ra bất cứ biểu quyết đồng ý nào cho thương vụ sáp nhập lần này, cũng như không ủy quyền đồng ý cho Hội đồng quản trị về chiến lược mua bán – sáp nhập sắp tới", đại diện Kustocem chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công (cổ đông lớn nắm 14,28% vốn Coteccons) cho rằng, bức xúc của nhà đầu tư là chính đáng nhưng cần phải thận trọng. Sáp nhập Ricons là thương vụ lớn. Biểu quyết lần này chỉ để HĐQT nghiên cứu phương án trên, do đó không cần căng thẳng hay vội vàng đưa ra tuyên bố. Vị này đề xuất không biểu quyết phương án sáp nhập bởi nếu không được thông qua, uy tín và giá cổ phiếu Coteccons sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Ông Nguyễn Bá Dương: 'Từ nay không bàn chuyện sáp nhập Ricons' - Ảnh 1

Chủ tịch HĐQT Coteccons Nguyễn Bá Dương.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, người đứng đầu Coteccons đề nghị cổ đông cho biết đồng ý biểu quyết hay không, vì vấn đề này đã căng thẳng và kéo dài từ năm trước đến nay, nói thêm nữa cũng không giải quyết được vấn đề.

Theo ông Dương, thương vụ này giống như sáp nhập Unicons cách đây 4 năm nhằm gia tăng thị phần. Sáp nhập Ricons còn có thêm mục đích tăng khả năng phòng thủ và đa dạng hoá các dự án. Coteccons sẽ có 3 trong 5 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam nếu thương vụ này thành công. Đây được xem là vấn đề nhạy cảm, quyết định đường hướng lâu dài của công ty khi muốn tiến ra thị trường nước ngoài nên cổ đông phải cân nhắc kỹ để đảm bảo quyền lợi cho chính mình.

"Chúng ta dừng lại tại đây (không biểu quyết tờ trình phương án sáp nhập) thì không bao giờ mua bán – sáp nhập nữa. Ricons không phải mang ra để soi mói. Chúng tôi không có mục đích sáp nhập để hưởng lợi cá nhân. Tôi không muốn nghe luận điệu lấy tiền của Coteccons bỏ sang công ty khó. Điều này không chấp nhận được", ông Dương lớn tiếng.

Phiên họp thường niên của Coteccons sau đó đồng ý loại bỏ tờ trình sáp nhập Ricons, đồng thời thông qua tờ trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động, phương án chia cổ tức và thay đổi điều lệ công ty.

Coteccons đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận hợp nhất năm nay lần lượt đạt 27.000 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 6% và 14% so với năm trước. Ban lãnh đạo nhận định "đây là điều dũng cảm" trong bối cảnh thị trường bất động sản chững lại, trong khi thế mạnh của công ty là xây dựng các dự án nhà cao tầng. Thay vào đó, công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư bất động sản. Việc đầu tư này sẽ không mang lại kết quả ngay, làm giảm lợi nhuận tài chính trong ngắn hạn nhưng sẽ tạo ra nguồn thu ổn định trong những năm tiếp theo.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2018, Kustocem đồng thuận phương án sáp nhập Ricons nhưng cho rằng Coteccons nên cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp và thời gian thực hiện nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông và công ty. Kustocem cho rằng đây là một trong những bước ngăn chặn phân chia lợi ích không đồng đều nên đề xuất phải thuê đơn vị định giá độc lập tham gia ngay từ đầu.

Tin Cùng Chuyên Mục