Rà soát, sắp xếp lại chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Chiều 02/10, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp.

Thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên phát triển

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, kể từ khi ban hành đến nay, về cơ bản, các nội dung của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và các Luật sửa đổi, bổ sung đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính sách thuế TNDN ngoài việc đảm bảo nguồn thu quan trọng, ổn định cho NSNN, thực hiện chính sách phân phối lại trong nền kinh tế còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên phát triển của đất nước trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế hiện nay đang có nhiều thay đổi, sự phát triển nhanh, mạnh của khoa học và công nghệ cũng như công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện và mở rộng của các mô hình kinh doanh mới, nhất là các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, kinh tế chia sẻ; qua đó cũng đặt ra những yêu cầu mới cho việc hoàn thiện chính sách thuế TNDN của Việt Nam.

Đại diện Bộ Tài chính trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.
Đại diện Bộ Tài chính trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Bên cạnh đó, qua tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn vừa qua, chính sách thuế TNDN cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và xu hướng phát triển trong thời gian tới, bao gồm các quy định về thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, phương pháp tính thuế, các nguyên tắc liên quan đến việc xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ, về chính sách ưu đãi thuế TNDN. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có quy định chính sách ưu đãi thuế TNDN như Luật Đầu tư năm 2020, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017;…

Vì vậy, việc xây dựng Luật Thuế TNDN (sửa đổi) là cần thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Nghiên cứu mở rộng cơ sở thuế phù hợp với Nghị quyết số 07-NQ/TW

Nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng dự thảo Luật, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung đối tượng ưu đãi thuế gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh tái; công nghiệp, bán dẫn; các dự án đầu tư phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị Bộ Tài chính không đưa thêm tiêu chí xác định ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời xem xét có các quy định ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh để thúc đẩy, hỗ trợ các loại hình doanh nghiệp này phát triển.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về chính sách 1 và chính sách 2 của dự thảo Luật, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhất trí cần điều chỉnh quy định liên quan đến người nộp thuế TNDN, theo đó bổ sung quy định doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số có thu nhập.

Tuy nhiên, đồng chí đề nghị Bộ Tài chính cần có nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh tế số để chuẩn hóa thuật ngữ, bao quát hết đối tượng nộp thuế và các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số đã xuất hiện tại Việt Nam.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông.  
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông.  

Đối với quy định về việc xác định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, đồng chí đề nghị bổ sung thêm các khoản chi cho chuyển đổi số để phù hợp với xu thế hiện nay.

Đồng chí cũng đề nghị điều chỉnh cụm từ “sản xuất sản phẩm phần mềm” tại điểm b khoản 1 Điều 13 thành “sản xuất sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin” nhằm bảo đảm ưu đãi đúng đối tượng, đúng trọng tâm, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp phát triển.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng bổ sung thêm, đối với quy định Trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, thực tế, thời gian đầu tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ và hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp cần có sự tích lũy vốn theo thời gian, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các doanh nghiệp lớn cần chuyển đổi công nghệ.

Vì vậy, đồng chí đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu kéo dài thời gian và giảm tỷ lệ phần trăm không sử dụng hết của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để xác định việc doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ mà không sử dụng và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập đó.

Đồng thời hiện nay, hoạt động phát hành trái phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc Nhà nước được đấu thầu phát hành và trúng thầu cơ bản có kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên và một phần số lượng trái phiếu có thời hạn 5 năm.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận phiên họp.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá các ý kiến thảo luận từ thành viên Hội đồng có tính xây dựng cao, tâm huyết; các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị ban soạn thảo rà soát các nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung với các văn bản pháp luật đã ban hành để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao và Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp rà soát với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cho ý kiến cụ thể về các nội dung chính sách, Thứ trưởng đề nghị ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến của các thành viên Hội đồng; nghiên cứu mở rộng cơ sở thuế phù hợp với Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia, an toàn bền vững, trong đó có nêu “Hoàn thiện chính sách gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu nhất là các nguồn thu mới phù hợp với thông lệ quốc tế”; đồng thời thu gọn các nội dung chính sách cho phù hợp, tránh dàn trải;….

Tin Cùng Chuyên Mục