Startup Karavan thông báo sắp gọi vốn thành công 10 triệu USD, đặt tầm nhìn dẫn đầu thị trường B2B tại Việt Nam

Giang Phạm

Nếu hoàn tất vào tháng tới như kế hoạch, đây sẽ là một trong những thương vụ lớn nhất trong vòng pre-series A tại Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.

Karavan - một startup hoạt động trong lĩnh vực e-B2B chuẩn bị hoàn thành vòng gọi vốn pre-series A trị giá 10 triệu USD. Nếu hoàn tất thương vụ gọi vốn như kế hoạch, đây sẽ là một trong những thương vụ lớn nhất trong vòng pre-series A tại Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.

Vòng gọi vốn dự kiến sẽ đóng vào tháng tới. Hiện Karavan đang huy động vốn từ các công ty chiến lược và một số nhà đầu tư tài chính ở Đông Nam Á.

Startup Karavan thông báo sắp gọi vốn thành công 10 triệu USD, đặt tầm nhìn dẫn đầu thị trường B2B tại Việt Nam - Ảnh 1

Thuộc công ty Teko - một công ty thành viên của kỳ lân VNLife, Karavan là nền tảng thương mại điện tử B2B giúp kết nối các thương hiệu trực tiếp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như cửa hàng tạp hoá, nhà hàng, tiệm cà phê,... tại các khu vực thành thị và nông thôn.

Được thành lập vào đầu năm 2021, Karavan đã phát triển mạng lưới đại lý từ 8.000 lên 50.000 đơn vị. Mức tăng trưởng hiện tại vào khoảng 25%. Startup này đặt tầm nhìn dẫn đầu thị trường B2B tại Việt Nam.

Thương mại điện tử B2B đang là "miếng bánh" tiềm năng, thu hút nhiều startup tham gia. Trong đó, một trong số những cái tên nổi bật là VinShop. Sau hơn 2 năm gia nhập thị trường, VinShop tuyên bố đã kết nối được với hơn 100.000 chủ tiệm tại 23 tỉnh thành, cùng hơn 4.000 sản phẩm được bày bán. Đơn vị này đặt mục tiêu số hóa cho 1,4 triệu tiệm tạp hóa tại Việt Nam.

Bên cạnh Karavan, Telio và Kilo cũng là những cái tên được chú ý khi đã huy động lần lượt được 51 triệu USD và gần 6 triệu USD.

Thành lập từ 2018, Telio đã nhận khoản đầu tư trị giá 22,5 triệu USD, tương đương 510 tỷ đồng từ VNG tại vòng gọi vốn Pre-Series B. Startup này tuyên bố đã có trên 80.000 chủ tiệm đặt hàng qua ứng dụng Telio mỗi ngày. Trong khi đó, Kilo đang "bắt tay" với 100.000 cửa hàng và nhà bán lẻ.

Theo báo cáo SEA economy 2022 của Google, Temasek, và Bain &company, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á, ở mức 31%/năm vào năm 2025 nhờ lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ. Trong tổng giá trị 49 tỷ USD của toàn ngành internet trong nước, thương mại điện tử dự kiến chiếm 32 tỷ USD vào năm 2025.

Tin Cùng Chuyên Mục