Thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Chiều 19/4, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.

Công nghiệp ngày càng khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế quốc gia

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, phát triển công nghiệp là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của quốc gia, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế; là nhân tố quyết định việc đưa nền kinh tế đất nước chuyển đổi từ mô hình phát triển theo chiều rộng, từ việc dựa vào lao động và tài nguyên sang mô hình phát triển theo chiều sâu, dựa vào đổi mới sáng tạo, làm chủ hoàn toàn công nghệ và sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đưa quốc gia thoát “bẫy thu nhập trung bình” cũng như xu hướng giải công nghiệp hóa sớm.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất cao, thúc đẩy phát triển hiệu quả các ngành kinh tế khác. Phần lớn các ngành công nghiệp có đặc trưng tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị chặt chẽ, tạo ra tác động tổng hợp với sức mạnh lan tỏa phụ thuộc vào hệ số liên kết đối với nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra trong luồng giao dịch sản phẩm của các hoạt động kinh tế liên tỉnh, liên vùng và liên quốc gia.

Ngoài ra, việc phát triển các ngành công nghiệp cũng tạo ra sự tự chủ trong các ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh, trong đó quan trọng nhất là chế tạo vũ khí, phương tiện cơ giới, vận tải phục vụ nhu cầu của các lực lượng vũ trang, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia.   

Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương - Trương Thanh Hoài 
Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương - Trương Thanh Hoài 

Đồng chí cho biết thêm, sau hơn 35 năm đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã dần trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của thế giới và thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp (CIP) trung bình cao toàn cầu và ASEAN-4 với vị trí thứ 36 trên thế giới và đứng thứ 17 về xuất khẩu công nghiệp chế biến, chế tạo (năm 2019) với một số ngành công nghiệp đã cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu như điện tử, dệt may, da giày...

Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển, nền công nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc do chưa có hành lang pháp lý tổng thể xác định rõ trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa; pháp luật hiện hành về nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp còn rời rạc;...

Vì vậy, việc xây dựng một đạo luật riêng để phát triển công nghiệp là cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hướng đến xây dựng nền công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Dự thảo Luật tập trung vào 3 nhóm chính sách, cụ thể: (1) xây dựng, ban hành và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển công nghiệp; (2) nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp; (3) phát triển bền vững trong công nghiệp.

Làm rõ phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng của dự thảo Luật

Đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Luật này quy định các hoạt động phát triển công nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, các nội dung liên quan đến lĩnh vực này tại Tờ trình còn mờ nhạt.

Vì vậy, ban soạn thảo cần phân tích, đánh giá thêm các nội dung về công nghiệp hỗ trợ và bổ sung tổng kết công tác thực hiện Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu xây dựng Luật, đồng chí cũng đề nghị phải xác định rõ, chính xác phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc điều chỉnh của Luật và đề xuất thêm phương án, giải pháp thực hiện các chính sách.  

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội 
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội 

Đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam đề nghị, cân nhắc việc xây dựng chính sách tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực quốc gia thông qua hình thức cấp bù lãi suất tại các ngân hàng thương mại từ nguồn ngân sách trung ương và hỗ trợ lãi vay từ nguồn ngân sách địa phương do việc ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo cơ chế trên khó triển khai trong thực tế nếu Ngân sách Nhà nước không bố trí vốn để thực hiện.

Đồng chí cho biết thêm, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, theo đó Ngân sách Nhà nước đã bố trí 40.000 tỷ đồng để các ngân hàng thương mại triển khai cấp bù lãi suất cho các đối tượng quy định tại Nghị định 31 nhưng kết quả triển khai còn thấp, chưa đạt được như kỳ vọng. Vì vậy, đồng chí đánh giá cơ chế cấp bù lãi suất qua ngân hàng thương mại hiện nay không phải là phương thức phù hợp, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách phù hợp, thực chất, hiệu quả để góp phần thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp công nghiệp. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị phải nghiên cứu thận trọng việc xây dựng chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và tránh để Việt Nam phải đối mặt với các trường hợp khiếu kiện trong thương mại quốc tế.  

Cảm ơn ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định, đại diện Ban soạn thảo hứa sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện Hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên họp thẩm định.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên họp thẩm định.

Tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhất trí việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, tuy nhiên ban soạn thảo cần cân nhắc, làm rõ phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng của dự thảo Luật; tóm tắt, cô đọng nội dung sự cần thiết tại Tờ trình; đề xuất thêm phương án, giải pháp thực hiện chính sách và bổ sung ý kiến góp ý của các Bộ, ngành về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp. Đối với từng chính sách cụ thể, Thứ trưởng đề nghị lược bỏ các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ tại chính sách 1 và giải trình, làm rõ các ưu đãi, các đặc thù hỗ trợ đầu tư cho các dự án tại chính sách tại chính sách 2.

Tin Cùng Chuyên Mục