TP HCM kêu khó vì chờ vốn ODA

G.Nguyễn – C.Phong

UBND TP HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính về tình hình thực hiện vay, trả nợ vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2019 và dự kiến giai đoạn 2020-2022. Trong đó, TP HCM cũng đã có một số kiến nghị gỡ vướng để công tác này được thực hiện hiệu quả hơn.

TP HCM kêu khó vì chờ vốn ODA - Ảnh 1
Nhiều dự án của TP HCM vướng mắc do thiếu vốn.

Nhiều vướng mắc trong giải ngân vốn ODA

Theo UBND TP, hiện địa phương đang theo dõi 11 dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 104.071 tỉ đồng (trong đó vốn ODA là 88.565 tỉ đồng và vốn đối ứng là 15.506 tỉ đồng). Các dự án này chủ yếu tập trung vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, chống ngập và cải thiện môi trường.

Năm 2019, thành phố được giao kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 800 tỉ đồng và dự toán vốn vay lại từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ là trên 5.400 tỉ đồng.

Tính đến tháng 6/2019, lũy kế giải ngân nguồn vốn ODA là 99 tỉ đồng, trong đó vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 99 tỉ đồng, đạt 12,38% so với kế hoạch vốn được giao và vốn vay lại từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ là 7,656 tỉ đồng, đạt 0,14% so với dự toán vay lại được giao.

Trong dự toán vốn ODA vay lại từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ nêu trên có bao gồm khoản vay của Chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển cho ngân sách TP HCM vay vốn Ngân hàng Thế giới (gọi tắt là Chương trình DPO), dự kiến trong năm 2019 giải ngân Chương trình 1 là 125 triệu USD (tương đương 2.860 tỉ đồng).

Trong tháng 3/2019, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với đại diện UBND TP và các Bộ, ngành trung ương tham gia thảo luận kỹ thuật với Ngân hàng Thế giới. Ngày 1/3/2019, UBND TP  có Công văn số 649 về hồ sơ thẩm định khả năng trả nợ của thành phố cho Chương trình DPO.

Ngày 3/7/2019, Bộ Tài chính có Công văn số 7625 về việc thẩm định cho vay lại TP HCM để thực hiện Chương trình DPO-1 (vay WB). Theo đó, đề nghị UBND TP điều chỉnh lại phương án vay và trả nợ của khoản vay WB cho Chương trình DPO-1 theo Biên bản ghi nhớ kết quả đàm phán kỹ thuật giữa Bộ Tài chính và WB vào tháng 4/2019. 

Ngày 25/7/2019, UBND TP đã có Công văn số 3048 về thẩm định cho vay lại đối với Chương trình DPO-1, vay vốn WB gửi Bộ Tài chính. Về cơ bản, công tác đàm phán của khoản vay đã hoàn tất. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính chưa có ý kiến về kết quả thẩm định cho vay lại đối với thành phố theo quy định tại Nghị định số 97/2018 nên chưa có cơ sở báo cáo Chính phủ phê chuẩn kết quả đàm phán và ký Hiệp định tài trợ.

Đối với nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương, đến tháng 6/2019 chỉ có dự án vệ sinh môi trường TP HCM - giai đoạn 2 là giải ngân 99 tỉ đồng; dự án xây dựng đường sắt đô thị TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên và dự án xây dụng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương đang thực hiện công tác điều chỉnh tổng mức đầu tư nên không thể giải ngân; dự án cải thiện môi trường nước TP HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao vốn ODA do cần điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020.

Việc giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài còn chậm trễ nêu trên chủ yếu do công tác giao kế hoạch vốn ODA cấp phát của Trung ương chưa kịp thời và không phù hợp với tình hình thực hiện của các dự án.

Do việc chưa được giao kế hoạch vốn hoặc kế hoạch vốn được giao không đủ nên thành phố không thể giải ngân thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu. Từ đó, ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án và phát sinh nhiều hệ lụy (như phải thanh toán lãi phát sinh do chậm thanh toán theo quy định của hợp đồng, nhà thầu tạm dừng hoặc ngừng thi công).

Cần hỗ trợ kịp thời để tránh hệ lụy 

Theo UBND TP HCM, để kịp thời giải quyết tình trạng thiếu vốn, cần thiết phải tạm ứng vốn cho dự án; tuy nhiên, do đây là các dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kế hoạch vốn nên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước chỉ được tạm ứng từ ngân sách Trung ương, không đủ điều kiện để tạm ứng từ ngân sách thành phố.

Do đó, UBND TP đã có các văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét chấp thuận tạm ứng từ ngân sách Trung ương để thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; dự án cải thiện môi trường nước thành phố, giai đoạn 2 và dự án vệ sinh môi trường thành phố, giai đoạn 2.

Trong trường hợp ngân sách Trung ương chưa thể tạm ứng thì chấp thuận cho UBND TP tạm ứng từ ngân sách thành phố và hướng dẫn UBND TP thực hiện thủ tục hoàn trả khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kế hoạch vốn cho dự án.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho công tác giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, UBND TP cũng kiến nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến về kết quả thẩm định cho vay lại của Chương trình DPO-1 để có cơ sở tiến hành ký Hiệp định tài trợ, Hợp đồng cho vay lại và thực hiện giải ngân khoản vay trong năm 2019.

Do tính chất đặc thù của nguồn vốn ODA, kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu phương thức giao kế hoạch vốn ODA đảm bảo đáp ứng đủ vốn theo tiến độ giải ngân thực tế của dự án và tiến độ cấp vốn của các nhà tài trợ để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo đúng các Hiệp định đã cam kết.

Tránh phát sinh các chi phí cam kết, lãi phạt chậm thanh toán và các khiếu kiện của nhà thầu nước ngoài, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án. Đồng thời, cho phép thành phố căn cứ tiến độ giải ngân của các dự án, chủ động điều chuyển vốn trong tổng mức kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để theo dõi tình hình và tiến độ thực hiện kế hoạch.

Tin Cùng Chuyên Mục