Tránh rủi ro kép, ngân hàng giám sát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản

L.Bích

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên theo dõi giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro và cảnh báo kịp thời cho các tổ chức tín dụng để điều chỉnh kịp thời các khoản vay.

Những ngày qua, trước tình trạng giá đất tăng ảo ở Hà Nội và hầu hết các đia phương như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Phước, Bình Thuận, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng bất động sản là một trong những lĩnh vực mà ngành ngân hàng quản lý sát sao, chặt chẽ. 

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thông thường, tín dụng bất động sản được chia nhỏ thành 2 lĩnh vực: Tín dụng vào lĩnh vực mà đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ bất động sản hay là phân khúc thị trường cao cấp, các dự án (nghỉ dưỡng, biệt thự…) với khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư bất động sản trong tương lai không cao. Đây là đối tượng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ và hạn chế.

Lĩnh vực thứ 2 là tín dụng đầu tư cho thanh khoản của sản phẩm hàng hóa tiêu dùng bất động sản như nhà cho người thu nhập thấp, phân khúc thị trường nhà giá rẻ, mang tính chất thương mại phục vụ tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân. Phần này vẫn được giao cho các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. 
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. 

Việc Ngân hàng Nhà nước phân chia như trên cho thấy quan điểm rất rõ ràng: Bất động sản tuy tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng cũng là ngành kinh tế quan trọng. Nếu bất động sản đóng băng sẽ tác động lớn đến toàn nền kinh tế. Do đó, ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc mà luôn có kiểm soát chặt chẽ phù hợp với các loại hình bất động sản. Quan trọng hơn cả, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là hỗ trợ cho người có nhu cầu thật về nhà ở.

Để tránh hiện tượng đầu cơ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán và tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tiêu dùng. Cùng với chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước có những quy định cụ thể, chặt chẽ nhằm kiểm soát  chặt tín dụng trong những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như áp dụng hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh bất động sản lên mức 200%; tăng hệ số rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận vay từ bốn tỷ đồng trở lên…

Trên thực tế, ngành ngân hàng luôn quan tâm và giám sát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản. Trong 3 năm qua, tín dụng bất động sản có tín hiệu giảm dần. Đặc biệt trong năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, tín dụng bất động sản chỉ tăng trưởng 11,89%, trong khi đó các năm 2018 và 2019, tín dụng bất động sản tăng 26%-28%.

Tính đến hết tháng 3/2021, tín dụng bất động sản tăng 3%, tương đương với mức tăng tín dụng nói chung. So với cuối năm 2020 thì tín dụng bất động sản có tăng cao hơn do tác động của dịch Covid-19, nhưng so với cùng kỳ năm 2018 và 2019 thì mức tăng của tín dụng bất động sản không cao hơn và thậm chí còn thấp hơn. Điển hình, quý 1/2019 tín dụng vào bất động sản là 5,13%.

“Điều đó cho thấy tín dụng bất động sản đang được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt vào phân khúc đầu tư bất động sản của dự án cao cấp. Việc kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã quản lý và có cảnh báo các ngân hàng thương mại. Và do đó, có thể nói rằng nguyên nhân thị trường bất động sản tăng không phải xuất phát từ nguồn vốn tín dụng”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.

Về công cụ giám sát, Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tối đa là 40%. Thứ hai là áp dụng tỷ lệ hệ số rủi ro 150% đối với các khoản vay có dư nợ trên 4 tỷ đồng mà cá nhân vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên theo dõi giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro và cảnh báo kịp thời cho các tổ chức tín dụng để điều chỉnh kịp thời các khoản vay.

 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: "Đối với nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp hay người dân là nhà đầu tư nhỏ lẻ cần nghiên cứu thị trường, nắm bắt các thông tin đầy đủ, nhất là các thông tin chính thống để đưa ra quyết định đầu tư một cách hợp lý, tránh trường hợp khi giá đất tăng thì nhiều người đổ xô đi mua còn khi thị trường trầm lắng thì lại đổ xô đi bán. Khi đó, chính nhà đầu tư sẽ là người bị thiệt hại nặng nề."

Tin Cùng Chuyên Mục