Trong khi các đại gia công nghệ Trung Quốc lao đao, định giá của ByteDance vẫn tăng vọt đến 168%

Như Quỳnh

Công ty mẹ TikTok đã chạm mốc định giá 280 tỷ USD mặc dù chưa niêm yết cổ phiếu ra thị trường công khai.

Tính từ 1/12/2020 đến 15/7/2021, Viện nghiên cứu Hurun Thượng Hải cho biết định giá 500 công ty tư nhân hàng đầu thế giới đã tăng 17% lên 58.000 tỷ USD. Trong tổng số 428 công ty tăng giá thì ByteDance - công ty mẹ của TikTok và Douyin chứng kiến mức tăng cao thứ 2 khi tăng trưởng 168%, chạm mốc giá trị 280 tỷ USD. 

ByteDance vừa mới huy động được khoảng 5 tỷ USD hồi tháng 12 năm 2020. Theo tờ Financial Times, công ty đang dự định khởi động lại kế hoạch IPO trên sàn chứng khoán Hong Kong trong quý IV năm nay. 

Theo Nikkei Asia, doanh thu ByteDance đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái, đem về cho tập đoàn hơn 34 tỷ USD. Ảnh: Reuters
Theo Nikkei Asia, doanh thu ByteDance đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái, đem về cho tập đoàn hơn 34 tỷ USD. Ảnh: Reuters

Ngoài ByteDance, một tập đoàn công nghệ Trung Quốc khác cũng ghi nhận mức định giá tăng nhẹ là Huawei Technologies. Viện Hurun tính toán giá trị Huawei ở mức 165 tỷ USD, bất chấp doanh số điện thoại thông minh của hãng sụt giảm do các lệnh cấm từ Mỹ.

Rupert Hoogewerf, trưởng nhóm nghiên cứu Hurun nhận định, mức giá này phản ánh đúng hiệu quả hoạt động của Huawei trong năm 2020 khi công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 3,2%. Không nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ghi nhận xu hướng tích cực như ByteDance hay Huawei.

Ở chiều ngược lại, nền tảng tài chính trực tuyến Ant Group nằm trong số 4 công ty sụt giảm định giá lớn nhất. Giá trị Ant Group giảm 28% xuống chỉ còn 150 tỷ USD.

Một công ty fintech Trung Quốc khác là Lufax còn rơi khỏi bảng xếp hạng Hurun Global 500 (top 500 công ty lớn nhất toàn cầu) sau khi cổ phiếu hãng này giảm 44,6% trong thời gian tham chiếu. 

Công ty mẹ Ant Group - Alibaba Group Holding thậm chí còn "thê thảm" hơn khi chứng kiến giá trị thị trường giảm 126 tỷ USD. Nhiều công ty công nghệ khác của Trung Quốc như KE Holdings, Tencent Holdings và Pinduoduo cũng nằm trong top các tập đoàn sụt giảm giá trị thị trường lớn nhất.

Theo Nikkei Asia, nguyên nhân chính dẫn đến đợt sụt giảm này là bởi hàng loạt quy định mới của chính quyền Bắc Kinh nhắm vào các đại gia công nghệ đại lục.

Những quy định này khiến giới đầu tư quan ngại sâu sắc. Một số quỹ đầu tư lớn như SoftBank Vision Fund,... đã tuyên bố ngừng đầu tư vào Trung Quốc cho tới khi các đợt đàn áp tạm lắng lại. 

Tin Cùng Chuyên Mục