Trung Quốc ra lệnh hạn chế thời gian chơi của người dưới 18 tuổi, giá cổ phiếu các hãng game vẫn tăng vọt

Như Quỳnh

Những tưởng lệnh hạn chế trên sẽ khiến các tập đoàn phát hành game lao đao, thế nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ xô mua cổ phiếu ngành game, đẩy giá cổ phiếu tăng.

Cổ phiếu các công ty game lớn ở Trung Quốc vẫn tăng điểm bất chấp các quy định mới hạn chế thời gian chơi game đối với trẻ em dưới 18 tuổi. 

Vào ngày 30 tháng 8, các nhà quản lý Trung Quốc đưa ra quy định yêu cầu trẻ vị thành niên chỉ được phép chơi trò chơi trực tuyến 3 giờ mỗi tuần. Đây là một sự thắt chặt đáng kể so với quy định trước đây. 

Những tưởng lệnh hạn chế trên sẽ khiến các tập đoàn phát hành game lao đao, thế nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ xô mua cổ phiếu ngành game, đẩy giá cổ phiếu tăng.

Gian hàng NetEase Games tại hội nghị China Joy Thượng Hải vào ngày 30 tháng 7 năm 2021. Ảnh: CNBC
Gian hàng NetEase Games tại hội nghị China Joy Thượng Hải vào ngày 30 tháng 7 năm 2021. Ảnh: CNBC

Tính đến cuối ngày 1 tháng 9, cổ phiếu niêm yết tại sàn chứng khoán Hong Kong của Bilibili, NetEase và Tencent lần lượt tăng 6,25%, 6,42% và 1,5%. Ngoài ra cổ phiếu Huya được niêm yết tại Mỹ cũng tăng tới 7%. 

Nhiều viện nghiên cứu và nhà phân tích nhận định quy định mới ít có khả năng gây ảnh hưởng lên tình hình tài chính các công ty game hàng đầu đại lục. 

NetEase tuyên bố những người chơi dưới 18 tuổi chỉ chiếm chưa tới 1% doanh thu trò chơi. Trong khi đó các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies ước tính chỉ 5% doanh thu trò chơi của Tencent đến từ trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi. 

Bắc Kinh bắt đầu có động thái siết chặt quản lý ngành game sau khi một tờ báo chính thống có liên kết với hãng Tân Hoa Xã đăng bài gọi game trực tuyến là "thuốc phiện". Bài báo được đăng tải vào tháng 7, chỉ trích trò chơi gây ảnh hưởng xấu tới thế hệ tương lai khi trẻ em tốn nhiều thời gian và tiền bạc vào game, từ đó chểnh mảng học tập. 

Việc chính quyền Trung Quốc tăng cường kiểm soát với ngành game không phải là mới. Vào năm 2018, các nhà quản lý từng tạm dừng phê duyệt trò chơi mới, khiến các công ty như Tencent và NetEase gặp khó khăn. 

Để xoa dịu dư luận, nhiều nhà phát hành game lớn tại đại lục đã cố gắng đưa ra một vài chính sách mới. Hồi tháng 7, Tencent cho biết họ sẽ yêu cầu người chơi quét nhận dạng gương mặt trên điện thoại để xác minh xem họ có phải người lớn hay không. Tencent hy vọng cách làm này sẽ phần nào hạn chế được tình trạng trẻ em lách luật và chơi game quá giờ. 

Tin Cùng Chuyên Mục