Tuần lễ Nước Việt Nam Úc 2021: Ứng phó với biến đổi khí hậu, Đại dịch Covid-19, Kết nối Lãnh đạo Trẻ ngành Nước Khu vực

Phong Vân

Chia sẻ những giải pháp để ứng phó với các thách thức, đặc biệt đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn trong cấp nước có tầm quan trọng đặc biệt khi Biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 đã và đang đe dọa tới sự tồn tại và phát triển kinh tế, xã hội và của các nền kinh tế, theo các chuyên gia hàng đầu ngành nước tại Việt Nam và Úc.

Đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam, vốn là một trong 5 quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt gây hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát Nước Việt Nam (VWSA) nói.

“Đại dịch Covid-19 và Biến đổi Khí hậu cùng là một trong những thách thức to lớn ở Việt Nam đối với vấn đề an ninh an toàn trong cấp nước - dịch vụ thiết yếu đảm bảo nhu cầu an sinh của người dân trong mọi hoàn cảnh,” ông Điệp phát biểu tại Diễn đàn “Đại dịch Covid-19 và Kế hoạch Cấp nước Thích ứng”.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Diễn đàn thuộc ngày làm việc đầu tiên của sự kiện “Tuần Lễ Ngành Nước Việt Nam - Úc 2021” có chủ đề “An toàn Cấp nước - Hướng tới sự phát triển bền vững” do VWSA và Hội Nước Úc đồng tổ chức từ ngày 15/9 đến hết 17/9, được Chính phủ Úc, Cơ quan Hợp tác ngành nước Úc (AWP) tài trợ và Bộ Xây dựng Việt Nam bảo trợ.

Từ khi quan hệ song phương được nâng lên cấp Đối tác Chiến lược tháng 3 năm 2018, “Tuần Lễ Ngành Nước Việt Nam - Úc 2021” đánh dấu lần đầu tiên có sự tham dự các thành viên chính phủ, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp ngành nước hai bên trao đổi về những thách thức cũng như bàn các giải pháp và định hướng chính sách cho chương trình hợp tác tương lai giữa ngành nước của hai quốc gia Việt Nam - Úc.

Tại Úc, đại dịch đã ảnh hưởng đến tất cả các nhà cung cấp dịch vụ về nước, từ cấp nước và vệ sinh môi trường tới nước thải và tưới tiêu, cũng như khắc sâu sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận nguồn nước và vệ sinh, theo bà Sarah Ransom, Trưởng nhóm Đối tác và Tác động thuộc AWP.

Các đại biểu tham dự trực tuyến Tuần lễ ngành nước Việt Nam - Úc 2021.
Các đại biểu tham dự trực tuyến Tuần lễ ngành nước Việt Nam - Úc 2021.

Ở Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã khiến nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra của các doanh nghiệp ngành nước giảm mạnh, dẫn đến chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng, và các doanh nghiệp đã phải giảm một số hoạt động tại các tỉnh và thành phố lớn, bà Hạ Thanh Hằng, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế của VWSA, nói tại diễn đàn. 

Tham gia diễn đàn, ông Trần Chiến Công, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, và ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Nước sạch Hải Dương, đã điểm lại ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với các hoạt động của doanh nghiệp và các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động và duy trì sản xuất.

Liên quan đến biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước ở Việt Nam cũng như ở Úc cùng chịu ảnh hưởng khi lũ lụt và hạn hán ngày một nghiêm trọng hơn, bà Ransom thuộc Cơ quan Hợp tác ngành nước Úc phát biểu.

Nhìn tới tương lai, Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực đáng kể về nước vào mùa khô trong những  thập kỷ tới và cần rút kinh nghiệm từ thông lệ quốc tế về chính sách quản lý nguồn nước nhằm tối ưu hóa việc phân bổ nước và cải thiện tính bền vững của nguồn nước, theo ông Abhinav Goyal, Giám đốc các dự án vốn và hạ tầng của công ty tư vấn PWC Vietnam.

Công nhân công ty Sawaco làm việc trong thời điểm TP HCM thực hiện giãn cách do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 
Công nhân công ty Sawaco làm việc trong thời điểm TP HCM thực hiện giãn cách do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 

“Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc thiết lập một môi trường chính sách rộng rãi để quản lý nước, nhưng tiền đề để phân bổ nước đảm bảo hiệu quả kinh tế nhất chưa nhận được sự quan tâm đúng mức,” ông Goyal phát biểu tại diễn đàn, đồng thời đề xuất một kế hoạch hành động cụ thể cho Việt Nam hướng tới tăng trưởng dựa vào ngành nước. 

Khi lượng nước sẵn có biến động gấp vài lần lượng mưa ở Úc, một quốc gia rộng lớn với sự đa dạng về hình thái khí hậu, giữa các thành phố hay ngành công nghiệp, “không có một phương pháp hay công cụ nào có thể giúp chúng ta hoạch địnhcụ thể cho tương lai,” Trưởng ban Nông nghiệp và Nước thuộc Cục Khí tượng Úc Matthew Coulton nói.

Tuy nhiên, để ứng phó với biến đổi khí hậu, tại công ty cấp nước South East Water (bang Victoria) hay Sydney Water (bang New South Wales), việc phối hợp với chính quyền của bang, quản trị hiệu quả cũng như chia sẻ dữ liệu giúp hoạch định tốt hơn kế hoạch hành động cho tương lai, theo các cán bộ quản lý tại hai doanh nghiệp.

Sáng cùng ngày, tại Diễn đàn Lãnh đạo Trẻ Ngành Nước, một trong năm diễn đàn thuộc “Tuần Lễ Ngành Nước Việt Nam - Úc 2021”, các cán bộ trẻ đã chia sẻ những thách thức về cơ chế, chính sách và kỹ thuật mà ngành nước một số nước Đông Nam Á, Nepal và Úc đang đối mặt, cũng như đề xuất các giải pháp và cơ hội hợp tác trong tương lai.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm diễn đàn ban đầu dự kiến tổ chức tại hội trường ở Hà Nội đã được chuyển thành diễn đàn trực tuyến để đảm bảo an toàn mùa dịch trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu của Ban Tổ chức về thời gian và tính cấp bánh của chủ đề xuyên suốt.

Song song với chương trình của “Tuần Lễ Ngành Nước Việt Nam - Úc 2021”, Triển lãm Thương mại Trực tuyến có sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp Úc và Việt Nam. Triển lãm giới thiệu những cải tiến mới nhất trong công nghệ cấp thoát nước, quan trắc và giám sát chất lượng nước cũng như các phương thức tiên tiến trong quản lý tài sản và chống thất thoát thất thu nước.

Trên nền tảng trực tuyến, khách tham quan triễn lãm có thể gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với các đơn vị triển lãm để tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ cũng như khám phá các cơ hội kinh doanh. Các buổi gặp này được phiên dịch viên hỗ trợ.

Đặc biệt, để hỗ trợ hiệu quả cho hợp tác doanh nghiệp, Ban Tổ chức sự kiện thông báo nền tảng gặp gỡ trực tuyến 

Úc và Việt Nam là đối tác trong các hiệp định thương mại tự do: Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Úc bảy tháng đầu năm 2021 tăng gần 50% so với cùng kỳ lên 6,88 tỷ đô la Mỹ, theo số liệu của Hải quan Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục