Ứng dụng thanh toán hoàn tiền có dấu hiệu lừa đảo, biến tướng đa cấp

Giang Phạm

Ứng dụng Myaladdinz được quảng cáo khi sử dụng để thanh toán có thể hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn, song cơ quan công an cho rằng đang có dấu hiệu biến tướng của đa cấp.

Công an tỉnh Bình Phước vừa đưa ra khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, không tham gia nạp tiền vào ứng dụng thanh toán hộ có tên Myaladdinz.

Cơ quan công an cho biết, hiện trên các diễn đàn mạng xã hội và nhiều tài khoản Facebook gần đây thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, video quảng cáo, cá biệt có một cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các buổi hội thảo để giới thiệu về ứng dụng này. Theo như quảng cáo, ứng dụng này có thể thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe… và có thể hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn. Người dùng thanh toán càng nhiều thông qua ứng dụng sẽ được hoàn trả càng nhiều.

Để tham gia ứng dụng, người dùng đăng ký tài khoản, điền các thông tin cá nhân và thông tin về người giới thiệu, đồng thời nạp tiền vào tài khoản số tiền ít nhất là 100 USD (gần 2,4 triệu đồng) để sử dụng. Số tiền khi nạp vào tài khoản được quy đổi thành “gem”, mỗi “gem” tương ứng với 1 USD.

Người dùng khi thanh toán hóa đơn bằng “gem” sẽ được ứng dụng này hoàn trả 80% “gem” khi giao dịch hoàn thành chứ không hoàn lại bằng tiền. Bên cạnh đó, nếu người tham gia giới thiệu nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng sẽ được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp tương tự mô hình đa cấp

Công an Bình Phước cho biết, ứng dụng Myaladdinz chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép và khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, không đăng ký tham gia, nạp tiền vào ứng dụng nêu trên nhằm tránh mất tiền hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp.

"Bản chất Myaladdinz không có hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng mà chủ yếu là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước. Khi không có người tham gia nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó có thể lấy lại số tiền đã đầu tư", cơ quan công an lý giải. 

Trước đó, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng phát đi cảnh báo người tiêu dùng không nên tham gia đầu tư, phát triển hệ thống tại những trang web hoặc ứng dụng thương mại điện tử có tên "Tiêu dùng hoàn tiền", "Mua sắm hoàn tiền" (cashback) để tránh bị lừa đảo.

Tin Cùng Chuyên Mục