Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC chỉ lãi 'khiêm tốn' 48,5 tỷ đồng năm 2022, kém xa so với PNJ và DOJI

Giang Phạm

Dù năm 2022 được cho là năm thăng hoa của giá vàng nhưng bức tranh chỉ số lợi nhuận của ba "ông lớn" kinh doanh vàng trong nước lại có phần chênh lệch.

Năm 2022 được xem là một năm thăng hoa của giá vàng, đặc biệt là trong giai đoạn tháng 3/2022 khi giá vàng miếng SJC lập đỉnh tại 74,4 triệu đồng/lượng. Sau khi chinh phục mức giá này, giá kim loại quý quay đầu giảm về dưới ngưỡng 70 triệu đồng/lượng.

Giá kim loại quý tăng cao góp phần đem lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Tuy nhiên bức tranh chỉ số lợi nhuận của ba "ông lớn" kinh doanh vàng trong nước lại có phần chênh lệch. 

Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC chỉ lãi 'khiêm tốn' 48,5 tỷ đồng năm 2022, kém xa so với PNJ và DOJI - Ảnh 1

Nếu năm 2022, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ, mã ck: PNJ) và Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đều ghi dấu với khoản lãi ấn tượng, thì Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) lại ghi nhận khoản lãi khiêm tốn. 

Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI ghi nhận lợi nhuận cả năm 2022 đạt 1.016 tỷ đồng, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. 

Tính đến ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Doji tăng thêm 1.000 tỷ đồng, đạt 6.361 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu tăng lên gần 17,4%.

Dù gây ấn tượng với mức lãi nghìn tỷ đồng trong năm 2022 nhưng so với Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) - một trong những đối thủ lớn nhất trên thị trường bán lẻ vàng bạc đá quý hiện nay thì mức lãi 1.016 tỷ năm 2022 của DOJI tiệm cận mức lãi của PNJ năm 2021.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 đã được kiểm toán, doanh thu lũy kế cả năm 2022 của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đạt hơn 33.876 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.810 tỷ đồng, tăng lần lượt 73% và 76% so với năm 2021.

Kết quả kinh doanh hợp nhất sau kiểm toán năm 2022 của PNJ
Kết quả kinh doanh hợp nhất sau kiểm toán năm 2022 của PNJ

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của PNJ đạt hơn 13.337 tỷ đồng, tăng 25,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền gấp 2,47 lần đầu kỳ lên 879,5 tỷ đồng.

Cùng với đó, công ty phát sinh khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 200 tỷ đồng; Đáng chú ý, hàng tồn kho của PNJ tăng 20% lên 10.506 tỷ đồng, chiếm 79% tổng tài sản. Trong khi đó, nợ phải trả của PNJ ở mức 4.893 tỷ đồng, tăng 6,2% so với hồi đầu năm. Khoản phải trả người lao động tăng gấp 2,3 lần, lên gần 890 tỷ đồng.

Trong khi các đối thủ trên thị trường kinh doanh vàng báo lãi vượt mốc nghìn tỷ, thì Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lại báo lãi năm 2022 "khiêm tốn" với 48,5 tỷ đồng, mặc dù doanh thu thuần ghi nhận ở 27.153 tỷ đồng. 

Kết quả kinh doanh hợp nhất sau kiểm toán năm 2022 của SJC
Kết quả kinh doanh hợp nhất sau kiểm toán năm 2022 của SJC

Theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán, giá vốn nguyên liệu đầu vào tăng tới 53,7% lên 26,9 tỷ đồng. Ngoài ra, các chi phí cơ bản của SJC như chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt 73% và 35%. Riêng chi phí tài chính tăng mạnh lên hơn 40 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 16,5 tỷ đồng. 

Việc các loại chi phí tăng cao cũng là nguyên nhân khiến lãi ròng của SJC bị thu hẹp còn 48,5 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn năm trước đó 12% dù doanh thu tăng tới 53%.

Trên thực tế, việc doanh thu của SJC trong năm 2022 tăng cao do so với mức nền thấp của năm 2021. Đây là giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vàng bạc, trang sức.

Bên cạnh đó, việc giá vàng lập đỉnh lịch sử 74 triệu đồng/lượng cũng kích thích hoạt động giao dịch trên thị trường vàng.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của SJC đạt 1.739,7 tỷ đồng, tăng 4% so với hồi đầu năm, chủ yếu là tài sản ngắn hạn, trong đó lượng hàng tồn kho chiếm 67% tổng tài sản.

Bên cạnh đó, công ty cũng đang nắm 276,2 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi không kỳ hạn. Nợ phải trả tính đến hết năm 2022 đạt 195,2 tỷ đồng, tăng 27,4% so với đầu năm do phát sinh khoản vay ngân hàng Vietcombank chi nhánh TP.HCM trị giá 200 tỷ đồng vào đầu tháng 2/2022. Đến thời điểm cuối năm 2022, công ty đã trả trước 100 tỷ đồng trong năm và dư nợ còn 100 tỷ đồng.

Tính cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 1.544 tỷ đồng, trong đó bao gồm 166,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Tin Cùng Chuyên Mục