Việt Nam sẽ là điểm đến đầu tư sau Covid-19 của doanh nghiệp Nhật Bản

Nhịp sống doanh nghiệp

Đại sứ Nhật Bản cho biết, Chính phủ nước này đang thực hiện gói hỗ trợ 2,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm thúc đẩy đa dạng chuỗi cung ứng ở nước ngoài.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. Ảnh: VGP
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. Ảnh: VGP

"Trong khi các nước đang nỗ lực chống dịch thì Việt Nam đã tăng trưởng dương, trong 11 tháng năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu đạt 489 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước", Đại sứ  Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nói và nhấn mạnh "trên thế giới chỉ có Việt Nam mới có thành công lớn như vậy".

Phát biểu tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam diễn ra chiều nay (21/12), Đại sứ Yamada Takio, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển sâu sắc, minh chứng qua việc Thủ tướng Nhật Bản đã chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhận chức. Thủ tướng Nhật Bản cũng đã gặp Thủ tướng Việt Nam đến 5 lần để bàn về các mối quan hệ giữa hai nước.

Theo Đại sứ Nhật Bản điều này phản ánh thực tế sự đánh giá cao mối quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản, cũng như vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Đại sứ Yamada Takio đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải thiện đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. "Các nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm đến Việt Nam như là điểm đến đầu tư sau Covid-19", Đại sứ Yamada Takio nói.

Cụ thể, theo Đại sứ Nhật Bản, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm rối loạn đáng kể chuỗi cung ứng của những công ty Nhật Bản vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, Chính phủ nước này đang thực hiện gói hỗ trợ 2,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm thúc đẩy đa dạng chuỗi cung ứng ở nước ngoài, khuyến khích các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất ở nước ngoài tới Đông Nam Á hoặc trở về Nhật Bản.

Qua quá trình hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, có tới 37/81 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ của Nhật Bản đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, trong khi đó con số ở Thái Lan là 19 doanh nghiệp, chỉ bằng một nửa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cũng cân nhắc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đang là đối tác của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam.

Về hạn chế, Đại sứ Nhật Bản mong muốn Việt Nam sẽ sớm giải quyết được ba vấn đề. Thứ nhất là cải thiện dần việc đi lại giữa hai nước; thứ hai là cải thiện đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân các dự án; thứ ba là thúc đẩy hơn nữa việc cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm đến lĩnh vực nào tại Việt Nam?

Hồi tháng 11, trao đổi với báo chí, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết, sau chuyến thăm của Thủ tướng Suga Yoshihide nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản chắc chắn sẽ tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam theo 2 hướng.

Đối với các doanh nghiệp đã và đang làm ăn tại Việt Nam sẽ đầu tư thêm. Riêng các doanh nghiệp đang ở Nhật Bản thì đang chờ tình hình dịch Covid-19 ổn định, giao thương giữa hai nước được thuận lợi, các cơ chế chính sách đầu tư được mở rộng họ sẽ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có 3 điểm cần lưu ý, đó là sự thay đổi về mặt phân bố địa lý.

Từ trước đến nay các nhà đầu tư Nhật Bản chỉ thường tập trung tại các đô thị lớn, ở phía Bắc là thành phố Hà Nội, phía Nam là TP.HCM và các khu vực công nghiệp xung quanh 2 thành phố này.

Song, xu hướng mới của các nhà đầu tư là không chỉ ở các khu vực trung tâm mà các khu vực lân cận cũng được họ để ý đến. Ví dụ, các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An và đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ là điểm đến mới của nhà đầu tư Nhật Bản trong thời gian tới.

Bên cạnh việc phân bố lại điều kiện địa lý về các nhóm ngành nghề giữa sản xuất và phi sản xuất thì bây giờ là lúc doanh nghiệp Nhật Bản xây dựng đối tác với doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn lại lịch sử đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam cách đây khoảng 25 năm cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực chế xuất, họ nhập nguyên vật liệu vào Việt Nam để gia công sản xuất thành phẩm sẽ xuất trở về Nhật Bản hoặc sẽ xuất sang nước thứ ba.

Nhưng nay hình thức này đang dần thay đổi. Ưu tiên của các doanh nghiệp Nhật Bản là xây dựng mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp Việt Nam để cả hai cùng phát triển theo đúng xu hướng của thời đại, và các lĩnh vực mà họ đang chú trọng là thời trang, thương mại dịch vụ, y tế... Đây là những lĩnh vực sẽ được quan tâm đầu tư nhiều hơn hậu Covid-19.

Theo khảo sát của JETRO về xu hướng đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản, ngoài các lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến đời sống và thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam về các lĩnh vực như thời trang, ẩm thực, du lịch dịch vụ … vì đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam không chỉ là nơi để gia công sản xuất thành phẩm và xuất trở về Nhật Bản hoặc xuất sang nước thứ ba mà còn là một thị trường mới có nhiều tiềm năng phát triển, bởi vì nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khả năng phát triển lớn mạnh hơn nữa.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục