Với tỷ phú sữa chua Hamdi Ulukaya, đây là ba điều "ngu ngốc" mà doanh nghiệp nào cũng đang làm theo

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Thành danh từ việc tạo dựng sản phẩm sữa chua bán chạy nhất nước Mỹ, Hamdi Ulukaya chia sẻ ông không thích lối tư duy của các CEO hiện nay.

Hamdi Ulukaya - nhà sáng lập thương hiệu sữa chua Hy Lạp bán chạy số 1 nước Mỹ Chobani hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá 2,1 tỷ USD (theo Forbes). So với các tỷ phú Mỹ khác, số tiền trên có vẻ chẳng có gì đáng nói. Thế nhưng, đằng sau nó là câu chuyện về một người đàn ông có nỗ lực phi thường.

Sinh ra trong một gia đình sống bằng nghề chăn cừu tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hamdi Ulukaya đến nước Mỹ với hai bàn tay trắng. Từ việc ghét hương vị của các loại sữa chua bán tại Mỹ, ông đã nghĩ tới việc đem tới thị trường này một sản phẩm mới. 

Thời cơ đến với ông không lâu sau đó. Tình cờ nhìn thấy thông tin rao bán một nhà máy sữa chua, Hamdi không khỏi suy nghĩ. Ông hiểu rằng đây có thể là bước ngoặt để hiện thực hoá giấc mơ làm giàu trên đất Mỹ.

Đơn vị rao bán nhà máy này là Tập đoàn Kraft - một cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực thực phẩm. Thời điểm đó, họ muốn thanh lý nhà máy để rút khỏi thị trường sữa chua.

Khi đến xem qua cơ sở vật chất, Hamdi Ulukaya ngỡ như mình đang lạc vào một nghĩa địa. Không khí trầm lắng len lỏi vào từng ngõ ngách, đâu đó lác đác có đám nhân viên đang ngồi chơi vì biết nhà máy chuẩn bị đóng cửa. Còn cơ sở vật chất, máy móc thì ngổn ngang và cũ kỹ. Điều duy nhất khiến Hamdi phân vân là nó có mức giá chuyển nhượng rất rẻ, chưa tới 1 triệu đô.

Bỏ mặc mọi lời phản đối, Hamdi quyết định phải xoay bằng được tiền để mua nhà máy. Ông về nhà và viết ra một bản kế hoạch kinh doanh, một bản cam kết cá nhân. Cuối cùng, ngân hàng cũng cho phép vay một khoản tiền để mở ra "chìa khoá" cho thương vụ mua bán.

Cho tới nay, Chobani là một cái tên chiếm lĩnh thị trường sữa chua tại Mỹ. Doanh nghiệp này cũng cán mốc doanh thu 1,5 tỷ USD vào năm 2018.

Hamdi Ulukaya cũng nổi tiếng là một tỷ phú có lối tư duy khá "khác người". Ông từng chia sẻ bản thân rất khó chịu với những điều các CEO hiện nay hay suy nghĩ. Đồng thời, Hamdi chỉ ra ba điểm ông cho rằng rất "ngu ngốc" khi nói về các nguyên tắc kinh doanh thời nay.

Với tỷ phú sữa chua Hamdi Ulukaya, đây là ba điều

 

Điều "ngu ngốc" thứ nhất: Các doanh nghiệp chỉ chăm chăm vào lợi ích cổ đông

"Sách vở lúc nào cũng truyền bá tư duy rằng doanh nghiệp phải làm mọi cách để tối ưu lợi nhuận cho cổ đông. Đây là điều ngu xuẩn nhất tôi từng nghe. Doanh nghiệp phải biết lấy lòng nhân viên trước." - ông giảng giải.

Vào một ngày tháng 4/2016, từng nhân viên của Chobani được nhận một gói màu trắng, trong đó là thông tin về lượng cổ phiếu họ có thể nhận được, dựa trên kinh nghiệm và những đóng góp cho công ty. Tổng cộng chiếm 10% giá trị công ty (Hai năm trước, khi được nhận đầu tư, Chobani được định giá 3-5 tỷ USD). Như vậy, trung bình mỗi người sẽ được nhận 150 nghìn USD (ở mức giá 3 tỷ USD). Những người có thâm niên có thể được trên 1 triệu USD.

Ông viết trong bức thư gửi đến người lao động: Đây không phải là quà. Đó là lời hứa cùng cam kết nỗ lực làm việc và chia sẻ trách nhiệm. Điều quan trọng là nếu Chobani tiếp tục phát triển, nhân viên sẽ sở hữu một phần của sự thịnh vượng đó.

Thứ hai: Hãy hỏi bản thân làm được gì cho cộng đồng trước khi đòi hỏi

Theo Hamdi Ulukaya, các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ hỗ trợ cộng đồng. Thay vì việc chỉ quan tâm tới việc tiết kiệm khoản đóng thuế, họ cần hỗ trợ các nơi đang gặp khó khăn.

Ít ai biết, nhà máy thứ hai của Chobani được đặt tại một Idaho - một tiểu bang hẻo lánh ở Hoa Kỳ. Sự xuất hiện này đem lại việc làm và lợi ích cho những người dân còn nghèo khó.

Thứ ba: Hãy nhớ khách hàng chính là sếp của các bạn

"Ai cũng nói CEO phải báo cáo công việc cho hội đồng quản trị. Nhưng theo tôi, khách hàng mới là người cần được cung cấp thông tin."

Vào những ngày đầu thành lập Chobani, mỗi sản phẩm của họ đều được in số điện thoại cá nhân của chính... CEO Hamdi Ulukaya. Nếu có thắc mắc hoặc muốn phản hồi chất lượng, khách hàng có thể gọi thẳng cho lãnh đạo cao nhất.

"Khách hàng phải có quyền lực thực sự. Họ chính là lý do tồn tại của thương hiệu" - ông nhấn mạnh.

Tin Cùng Chuyên Mục