Vốn hóa của các "kỳ lân" Đông Nam Á bốc hơi 51 tỷ USD kể từ khi niêm yết

Kim Dung

Hơn một năm trước, Grab, Goto, PT Bukalapak.com là những cái tên từng được mệnh danh là "kỳ lân" công nghệ của khu vực Đông Nam Á và được rất nhiều nhà đầu tư chú ý. Thế nhưng hiện nay, các startup này đang đối mặt với khó khăn khi vốn hóa sụt giảm đáng kể.

Những nhà đầu tư đặt niềm tin vào ba "kỳ lân" công nghệ của Đông Nam Á đang phải đối mặt với thực trạng nghiệt ngã khi giá trị của những công ty này bốc hơi đến 51 tỷ USD kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Sau màn "chào sân" tại New York một năm trước, giá cổ phiếu của nền tảng gọi xe Grab Holdings đã giảm đến 70%. Tại thời điểm Grab sáp nhập với tập đoàn Altimeter Growth, công ty được xem là startup "kỳ lân" có giá trị cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Grab đã thu hút được hơn 4 tỷ USD tiền vốn từ các nhà đầu tư lớn của thế giới như BlackRock, Fidelity International và T.Rowe Price Group.

Theo số liệu của Bloomberg, giá trị của Grab hiện đang ở mức khoảng 11,6 tỷ USD. Khoản lỗ của công ty đã được thu hẹp nhờ doanh thu quý III/2022 cao hơn mức kỳ vọng. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư vẫn hoài nghi về thời điểm Grab có lợi nhuận.

Vốn hóa của Grab bốc hơi 70% kể từ khi niêm yết
Vốn hóa của Grab bốc hơi 70% kể từ khi niêm yết

Giống như Grab, tập đoàn GoTo sở hữu ứng dụng gọi xe Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia đã chứng kiến giá trị thị trường sụt giảm 74% trong năm qua. Goto từng là doanh nghiệp có đợt IPO quy mô lớn nhất tại Indonesia vào năm ngoái. Trong khi đó, vốn hóa của một startup Indonesia khác là sàn thương mại điện tử PT Bukalapak.com cũng bốc hơi 69% sau một năm niêm yết. Cả hai doanh nghiệp này đều có mức sụt giảm mạnh hơn so với chỉ số tiêu chuẩn của thị trường và giảm sâu gấp đôi so với mức 30% của chỉ số Nasdaq 100 tính từ đầu năm nay.

Những công ty mới tại Đông Nam Á cùng sụt giảm giá trị trong khi nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về định giá quá cao của họ. Ba "kỳ lân" này giúp nhà đầu tư Đông Nam Á có cơ hội được tiếp cận với lĩnh vực thương mại điện tử vào thời điểm nhiều nhà đầu tư thị trường vẫn háo hức mua cổ phiếu tăng trưởng. Tuy nhiên, lãi suất tăng cao trên toàn cầu và rủi ro suy thoái kinh tế đang tạo ra nhiều sức ép lên các cổ phiếu công nghệ.

Bên cạnh đó, các "kỳ lân" còn đối mặt với khả năng hàng loạt nhà đầu tư giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau khi kết thúc thời hạn hạn chế chuyển nhượng. Điều này từng xảy ra với một số doanh nghiệp tại Ấn Độ trước đó. Điển hình là tập đoàn GoTo đã mất khoảng 60% giá trị thị trường trong tháng trước khi thời hạn hạn chế bán của cổ đông lớn kết thúc. Dù Goto đã tuyên bố vẫn có đủ vốn để duy trì hoạt động cho đến khi đạt lợi nhuận nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại về triển vọng có lãi công ty.

Không chỉ có các công ty "trẻ" bị sụt giảm giá trị - Tập đoàn Sea - một "kỳ lân" công nghệ của Singapore niêm yết tại Mỹ từ năm 2017, cũng đã mất khoảng 169 tỷ USD giá trị thị trường kể từ khi đạt mức đỉnh vào tháng 10/2021.

Tin Cùng Chuyên Mục