Vốn ngoại vào bất động sản giảm hơn 70%, chuyên gia chỉ ra nguyên nhân

Trúc Linh

Trong 3 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rót vào bất động sản Việt Nam đạt gần 766 triệu USD, giảm 71,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản giảm mạnh

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) tính đến ngày 20/3, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn ngoại vào bất động sản giảm hơn 70%, chuyên gia chỉ ra nguyên nhân - Ảnh 1

Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đăng ký đầu tư, so với cùng kỳ năm trước (1,71 tỷ USD) con số này đã giảm gần 72%.

Trong khi đó, các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi thu hút vốn đầu tư tăng hơn so với cùng kỳ, xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 276 triệu USD và gần 151 triệu USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu 2023. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn gần 1,69 tỉ USD (chiếm gần 31%), tuy nhiên giảm 26,3% so với cùng kỳ 2022.

Trung Quốc đứng thứ hai với gần 552 triệu USD (chiếm 10,1%), giảm 38,3% so với cùng kỳ. Đài Loan đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 477 triệu USD (chiếm gần 8,8%), tăng 47,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Hà Lan.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm 2023. Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đăng ký hơn 1,1 tỉ USD (chiếm gần 20,3%), tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đồng Nai đứng ở vị trí thứ hai với 18 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 607 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, TP HCM, Hải Phòng,…

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, vốn đầu tư mới tuy không còn duy trì được mức tăng mạnh như trong 2 tháng đầu năm, song số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới.

Kết quả trên cũng cho thấy có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 3 tháng.

Tính lũy kế đến ngày 20/3, cả nước có 36.881 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 444,1 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 278,3 tỉ USD, bằng gần 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp

Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam, từ góc độ quản lý Nhà nước, vấn đề pháp lý là nguyên nhân lớn nhất làm giảm sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Do đó, theo chuyên gia Savills, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tạo hành lang pháp lý để dự án có thể thực hiện nhanh chóng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và tăng lợi ích cho người tiêu dùng.

Cùng với đó, ông Khương cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài mới tham gia thị trường chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Do đó, với những doanh nghiệp này, thủ tục pháp lý là điều quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư.

Ông Khương phân tích, việc thực hiện đầu tư quá lâu ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và giá bán cao sẽ không phù hợp với đại bộ phận người dân. Tình trạng này làm giảm nguồn cung trên thị trường và đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở, khi nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp và nhà ở thương mại luôn được đặt ra hàng đầu đối với các thành phố lớn. Các đô thị lớn trong khu vực như Bangkok, Jakarta, Singapore… đều đang phải đối mặt với vấn đề này và chúng ta cũng không nằm ngoại lệ.

“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý vẫn là gốc rễ của vấn đề này và làm mất đi sự cạnh tranh trong việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào thị trường”, ông Sử Ngọc Khương cho hay.

Để trở thành điểm thu hút đầu tư lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, Giám đốc Cấp cao bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam lưu ý, cần thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Điều này liên quan đến các phân khúc chủ đạo như nhà ở, bán lẻ, văn phòng, bất động sản công nghiệp... và cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp để đầu tư vào các sản phẩm này.

Bên cạnh nguồn lực của nhân dân và Chính phủ, lực đỡ từ nguồn thu FDI cũng rất lớn để giúp cho nền kinh tế của nước ta phát triển. Với tốc độ phát triển GDP năm 2022 là 8,02% và GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, Việt Nam cần phải tiếp tục thu hút nguồn đầu tư nước ngoài để phát triển nền kinh tế.

 

Tin Cùng Chuyên Mục