Vứt bỏ sự nghiệp "làm thuê" tại phố Wall, người đàn ông trở thành chủ chuỗi nhà hàng hơn 3000 nhân viên

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Với sự hậu thuẫn từ khoản đầu tư 44 triệu USD, Marks tin rằng đứa con cưng của anh sẽ chiến thắng. Anh tự tin nói: "Ai cũng sợ cạnh tranh, nhưng tôi thì không. Tôi biết mình mạnh ở đâu, và cần phải tập trung làm gì."

Với Steven Marks, sự nghiệp của anh tưởng như đã rất "viên mãn", khi được nhận vào một quỹ đầu tư tại phố Wall.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Marks ngay lập tức nhận lời đề nghị làm việc dưới trướng nhà đầu tư huyền thoại Steve Cohen. Trong số bạn bè ra trường cùng khoá, anh may mắn là một trong hai người giành được cơ hội quý báu này. Sinh ra và lớn lên trong một khu ngoại ô nghèo khó, Marks coi đó là một kỳ tích vượt xa mong đợi.

Vứt bỏ sự nghiệp

 

Cuộc sống cứ thế trôi cho đến năm 30 tuổi, khi Marks quyết định tạo ra bước ngoặt mới cho bản thân. Anh viết đơn xin nghỉ việc, chấp nhận bỏ đồng lương ổn định và lao vào thử thách. 

"Ai cũng nghĩ rằng bạn phải có một công việc an nhàn, nhưng điều đó sai hoàn toàn". Marks đóng gói hành lý và đặt vé máy bay tới Úc, nơi anh ấp ủ tham vọng khởi xây dựng sự nghiệp riêng.

Và giờ đây, công chúng biết tới Steven Marks là nhà đồng sáng lập, CEO của "Guzman y Gomez" - chuỗi nhà hàng đồ ăn Mexico nổi tiếng tại Úc.

Mở những cửa hàng đầu tiên vào năm 2006, hiện tại, chuỗi nhà hàng do Steven Marks quản lý đã có mặt ở 115 địa điểm khác nhau, bao gồm các nước Úc, Singapore, Nhật Bản,...

Và cơ duyên đưa anh đến với ngành F&B cũng thật tình cờ. Ban đầu, kế hoạch của Marks hoàn toàn khác: "Tôi có ý định xây một khách sạn nhìn ra bờ biển, nhưng rồi lại cảm thấy nhớ hương vị đồ ăn Mexico hồi còn ở New York."

Phải chăng, ở Úc không có nhà hàng bán đồ ăn Mexico? Không hẳn, nhưng: "Người dân ở đây không biết cách làm đồ ăn Mexico chuẩn vị. Điều này làm tôi rất bứt rứt."

Một ý nghĩ xẹt qua đầu, và Marks bắt đầu gom vốn để làm một chuỗi nhà hàng Mexico đúng chuẩn.

"Tôi thuê nhân viên phục vụ người Mỹ La tinh, đồng thời ký hợp đồng với một đầu bếp từ Mexico." 

Cùng với người bạn Robert Hazan, anh quyết "chơi lớn" với dự án đặc biệt này: "Khi đã là một doanh nhân, bạn phải biết sáng tạo nên một thứ mới, tốt hơn các đối thủ trên thị trường." - Marks đúc kết.

Xây dựng một thương hiệu bằng chiến thuật "tập trung vào một thị trường"

Ngay từ những bước đầu thâm nhập thị trường, chàng trai người Mỹ đã gặp phải nhiều rào cản lớn. "Chúng tôi phải educate (giáo dục - PV) thị trường". Họ tung ra nhiều chương trình khuyến mại lớn, trong đó có riêng một ngày phát "burito" (món bánh đặc trưng của Mexico) miễn phí cho mọi khách hàng.

Vứt bỏ sự nghiệp

 

Để tạo dựng tên tuổi, anh đi theo một chiến lược riêng biệt. Đó là tập trung vào một thị trường tại Sydney, rồi sau đó mới dần dần sang khác vùng lân cận. Cách làm này đã mang lại thành công.

"Nhiều nhà sáng lập mắc sai lầm khi phát triển, mở địa điểm mới quá nhanh và dầy đặc. Trong vài năm đầu, tôi tập trung toàn lực vào thành phố Sydney." - Marks lý giải.

Bài học từ phố Wall

"Tiếng lành đồn xa", cái tên Guzman y Gomez nhanh chóng lọt vào mắt xanh của nhiều nhà đầu tư. Sau nhiều năm làm việc tại phố Wall, Steven Marks chia sẻ anh chọn nhà đầu tư một cách rất cẩn trọng, và từ chối thẳng thừng khi nhận thấy họ không cùng tầm nhìn chiến lược. 

"Tôi cho rằng nỗi đau là một đặc ân cho các nhà khởi nghiệp. Việc kén chọn nhà đầu tư khiến chúng tôi vất vả hơn vì phải xoay xở nguồn tiền."

Nhưng mọi khó khăn cũng chỉ là để thử thách lòng kiên trì của con người. Một thời gian không lâu sau, họ tìm thấy đối tác "tâm đầu ý hợp", từng có kinh nghiệm tham gia vào chuỗi McDonald. Những người này, theo miêu tả của Marks, có "chung niềm đam mê, và giúp chuỗi có thể vươn ra nước ngoài".

Dự định "trở về quê nhà"

Sau 10 năm, Marks đã nghĩ tới việc mang thương hiệu của anh về quê hương Hoa Kỳ. Dự kiến vào đầu năm 2020, nhà hàng Guzman y Gomez đầu tiên sẽ xuất hiện tại Chicago.

Vứt bỏ sự nghiệp

 

Tại đây, các đối thủ sừng sỏ như Chipotle hay Taco Bell đã chờ sẵn. Nói về vấn đề cạnh tranh, Marks dự định tập trung phát triển các nhà hàng "drive-through" (dạng nhà hàng cho phép khách mua sản phẩm mà không cần rời khỏi xe của họ).

Với sự hậu thuẫn từ khoản đầu tư 44 triệu USD, Marks tin rằng đứa con cưng của anh sẽ chiến thắng. Anh tự tin nói: "Ai cũng sợ cạnh tranh, nhưng tôi thì không. Tôi biết mình mạnh ở đâu, và cần phải tập trung làm gì."

Tin Cùng Chuyên Mục