10 ngành tạo ra nhiều tỷ phú nhất năm 2023: Tài chính và Đầu tư dẫn đầu

Linh Phương

Dù giảm hơn so với năm ngoái nhưng ngành tài chính và đầu tư là lĩnh vực tạo ra nhiều tỷ phú nhất thế giới năm 2023 với 372 người.

Theo bảng xếp hạng vừa công bố của Forbes, năm 2023 ghi nhận 2.640 tỷ phú trên thế giới, tới từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. So với năm ngoái, số lượng các tỷ phú năm nay giảm 28 người; tổng cộng khối tài sản trị giá của 2.640 tỷ phú là 12.200 tỷ USD, cũng giảm 500 tỷ USD.

Dù có vô số cách để làm giàu nhưng nếu để có thể lọt top những người giàu nhất thế giới, bạn có thể tham khảo 10 ngành nghề dưới đây vừa được tạp chí Forbes tiết lộ. 

10 ngành tạo ra nhiều tỷ phú nhất năm 2023: Tài chính và Đầu tư dẫn đầu - Ảnh 1

Theo Forbes, ngành tài chính và đầu tư là lĩnh vực tạo ra nhiều tỷ phú nhất thế giới năm 2023 với 372 người, bao gồm các "ông trùm" quỹ phòng hộ, chủ ngân hàng, nhà đầu tư mạo hiểm và nhà sáng lập các công ty fintech. Con số này đã giảm hơn so với 393 người vào năm ngoái trong bối cảnh năm qua, tổng số lượng tỷ phú trên toàn cầu giảm.

Nhóm các tỷ phú trong lĩnh vực tài chính và đầu tư chiếm 14% trong danh sách tỷ phú toàn cầu năm 2023, giảm nhẹ so với tỷ lệ 15% vào năm 2022.

Người giàu nhất ngành tài chính đầu tư vẫn gọi tên nhà huyền thoại Warren Buffett, người giàu thứ 5 thế giới với tài sản ròng ước tính 106 tỷ USD.

Người giàu nhất ngành tài chính đầu tư vẫn gọi tên nhà huyền thoại Warren Buffett. Hiện ông sở hữu khối tài sản lên tới 106 tỷ USD.
Người giàu nhất ngành tài chính đầu tư vẫn gọi tên nhà huyền thoại Warren Buffett. Hiện ông sở hữu khối tài sản lên tới 106 tỷ USD.

Theo sau ngành tài chính và đầu tư, lĩnh vực tạo ra nhiều tỷ phú thứ hai trong năm nay là sản xuất - với 324 tỷ phú, thấp hơn so với con số 337 người vào năm ngoái. 

Người giàu nhất trong lĩnh vực này là doanh nhân người Đức Reinhold Wuerth. Ông là người tiếp quản công việc kinh doanh ốc vít của gia đình vào năm 1954 và đã phát triển nó thành một "gã khổng lồ" với doanh thu khoảng 16 tỷ USD/năm. Hiện, Reinhold Wuerth sở hữu khối tài sản ròng trị giá ước tính 29,7 tỷ USD.

Năm qua được cho là một năm đầy biến động với các công ty công nghệ khi phải đối mặt với nhiều đợt sa thải lớn. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp mà số lượng tỷ phú công nghệ bị sụt giảm. Theo thống kê của Forbes, hiện chỉ còn 313 tỷ phú công nghệ trên thế giới, giảm so với mức 341 tỷ phú vào năm ngoái. 

Dù vậy, công nghệ vẫn là lĩnh vực tạo ra nhiều tỷ phú thứ ba trong danh sách tỷ phú toàn cầu năm nay. Đáng chú ý, đây cũng là nhóm sở hữu tổng tài sản ròng lớn nhất với khoảng 1.900 tỷ USD, nhiều hơn 170 tỷ USD so với nhóm tỷ phú thời trang và bán lẻ.

"Ông trùm" công nghệ Jeff Bezos, cựu CEO Amazon là tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới với tài sản ròng trị giá ước tính 180 tỷ USD. Hiện Forbes đang liệt kê Elon Musk là tỷ phú ngành ô tô do phần lớn tài sản ròng của Musk đến từ nhà sản xuất ô tô điện Tesla.

Gây ấn tượng trong bảng danh sách năm nay là ngành thời trang và bán lẻ khi ghi dấu với 266 tỷ phú, tăng 16 người so với năm 2022. Đáng chú ý, danh sách tỷ phú năm nay còn chào đón tới 19 thành viên mới gia nhập.

Vị tỷ phú Bernard Arnault, chủ tịch kiêm CEO của "gã khổng lồ" hàng xa xỉ LVMH hiện đứng đầu ngành thời trang. Giá trị tài sản ròng của tỷ phú Bernard Arnault cũng đã tăng thêm hơn 53 tỷ USD trong năm qua, hiện dừng ở mức 211 tỷ USD, qua đó giúp ông trở thành người giàu nhất hành tinh.

Đứng thứ 5 trong danh sách là lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, với 212 tỷ phú, tăng so với mức 203 người vào năm ngoái. Một số cái tên mới nổi trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống đã được hưởng tài sản thừa kế từ những người họ hàng đã qua đời trong năm qua.

Ngành chăm sóc sức khỏe năm nay lùi về vị trí thứ 6, nhường vị trí thứ 5 lại cho nhóm thực phẩm đồ uống với 201 tỷ phú, giảm 16 người so với năm ngoái.

Bốn vị trí còn lại lần lượt dành cho nhóm ngành bất động sản (193 tỷ phú); nhóm đa ngành (187 tỷ phú); nhóm năng lượng (100 tỷ phú); nhóm truyền thông giải trí (91 tỷ phú).

Tin Cùng Chuyên Mục