Ai là người hưởng lợi, ai chịu thiệt khi lãi suất tiết kiệm tăng?

Trúc Phương

Các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm với biên độ phổ biến 0,3-0,4% một năm, có nhà băng tăng đến 0,8% một năm và khoảng 15 ngân hàng đã gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động.

Lãi suất gửi tiết kiệm tăng

Thống kê trên thị trường thì lãi suất tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng dao động từ 6,4 đến khoảng 7,3%. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cổ phần, nhất là các ngân hàng có vốn nhà nước như VietcomBank, VietinBank hay BIDV thì lãi suất 12 tháng cũng vẫn ở mức 5,5 - 5,6%/năm.

Ai là người hưởng lợi, ai chịu thiệt khi lãi suất tiết kiệm tăng? - Ảnh 1

Sau đợt điều chỉnh này, đã có 20 trong số 34 đơn vị khảo sát niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng tại quầy trên 6% một năm. Con số này với kênh online là 23 nhà băng. Trung bình mặt bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng tại quầy và online lần lượt đạt 6,11% và 6,28%, tăng 0,04-0,05% so với hồi giữa tháng 5.

SCB tiếp tục là quán quân lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng. Nhà băng này trả 7,3% cho cả tiền gửi tại quầy và giao dịch online. Mức lãi suất trên đã được SCB áp dụng từ giữa tháng 5.

Lãi suất tiền gửi liên tục đi lên giúp huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong quý đầu năm tăng 2,15% so với cùng kỳ, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước. Riêng người dân đã gửi ròng gần 174.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,47 triệu tỷ đồng, tăng 3,28% so với cuối năm 2021.

“Thời gian qua một số ngân hàng tài lãi suất tiết kiệm để tăng nguồn tiền gửi trong bối cảnh năm nay nhu cầu tín dụng đã và đang tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra năm nay một số kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán không được thuận lợi như 2 năm vừa qua. Nên người dân và doanh nghiệp đã quay trở lại gửi tiền trong ngân hành nhiều hơn”, ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia cho biết.

Theo ông Lực, khi lãi suất tăng đương nhiên người dân và doanh nghiệp được hưởng mức lợi cao hơn. Bên cạnh đó cũng góp phần củng cố nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng ở các kỳ hạn, qua đó đáp ứng nhu cầu tín dụng tốt hơn từ đây đến cuối năm.

Theo ông Lực, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang tương đối ổn, tất nhiên không được dồi dào như những năm vừa qua khi mà tín dụng tăng mạnh thời gian qua (tăng 8% từ đầu năm). Ví dụ hệ số cho vay so với vốn huy động hiện xoay quanh ở mức 85%, đây là mức vừa phải. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức tương đối ổn..

Liên quan đến vấn đề kiềm chế lạm phát khi lãi suất huy động tăng, theo các chuyên gia kinh tế điều này có những mối quan hệ nhưng không phải quá nhiều. Thông thường lãi suất cho vay mới tác động đến câu chuyện kiểm soát lạm phát. Lãi suất huy động tăng giúp hút bớt lượng cung tiền trong nền kinh tế để điều hướng nhiều hơn và sản xuất kinh doanh thay vì đầu cơ, chi tiêu.

Ai lợi, ai thiệt?

Nhiều ý kiến lo ngại, lãi suất huy động tăng như vậy doanh nghiệp có nguy cơ trả lãi suất cao hơn từ nay đến cuối năm hay không. Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian vừa qua kể cả những khoản nợ từ đầu năm, kể cả những khoản nợ sắp tới về cơ  bản lãi suất cho vay không tăng.

“Theo chỉ đạo chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu năm nay chúng ta mong muốn phục hồi và phát triển kinh tế, do đó trong chương trình phục hồi có yêu cầu hệ thống ngân hàng phấn đầu, thậm chí là giảm nhẹ lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%”, ông Cấn Văn Lực cho biết.

Tuy nhiên, ông Lực nhấn mạnh mức độ giảm lãi suất năm nay là cực kỳ khó, bởi tất cả các lãi suất đầu vào và các nước trên thế giới đều tăng lãi suất. Năm nay nếu giữ bình ổn được lãi suất cho vay đã là một thành công. Một số hệ thống ngân hàng phải chấp nhận chênh lệch lãi suất đầu vào tăng lên, đầu ra không tăng được. Chênh lệch lãi suất ròng sẽ giảm đi so với những năm trước. Ngân hàng buộc phải tìm cách đa dạng hoá hoạt động để tăng nguồn thu.

Trong chiều hướng khác, ông Lực khẳng định những doanh nghiệp đi vay ngoại tệ nhất là USD chắc chắn đã và đang phải chịu lãi suất cao hơn. Hiện nay các ngân hàng trung ương đều đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Khi Mỹ tăng lãi suất đồng nghĩa với việc lãi suất đồng USD trên toàn cầu sẽ tăng theo và thực tế đã tăng đâu đó khoảng 0,7 - 1,5%.

“Như vậy những khoản nợ cũ và mới sẽ bị tăng lên. Thứ hai vấn đề về tỷ giá, khi lãi suất USD tăng khiến giá trị đồng tiền này cũng tăng theo khiến tỷ giá tăng. Do đó doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua ngoại tệ…”, ông Lực cho biết.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia  nêu quan điểm, lạm phát 5-6% không đáng lo bằng kinh tế suy thoái. Nếu kinh tế Việt Nam chống lạm phát bằng cách siết tín dụng, nâng lãi suất…, thì nhập khẩu lạm phát vẫn gây lạm phát, vì kinh tế không tăng trưởng. Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng trở lại khi đã giảm sâu trước đó.

Những tuần qua, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi trở lại, trong khi lãi suất thị trường liên ngân hàng cũng duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước. Vì thế, theo các chuyên gia, kịch bản tốt nhất hiện nay đối với Việt Nam là duy trì lãi suất hiện tại, không để gia tăng theo lãi suất cơ bản USD của Fed, thực hiện nhanh gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp để phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Mặc dù không kỳ vọng NHNN cắt giảm thêm các lãi suất chính sách chủ chốt, nhưng giới chuyên gia cho rằng, NHNN sẽ không nâng lãi suất điều hành trong vòng 3-6 tháng tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. NHNN sẽ hỗ trợ thị trường thông qua hoạt động thị trường mở như: bơm thanh khoản VND; mua vào ngoại hối hay nâng trần tín dụng cho ngân hàng thương mại để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Tin Cùng Chuyên Mục