CEO quyền lực châu Á Nguyễn Thị Phương Thảo: Nữ doanh nhân làm nên lịch sử, muốn đưa Vietjet Air vút lên ở trời Âu

Đạt Lê (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Nữ tỷ phú bày tỏ tham vọng và lòng tin rằng Vietjet Air có thể cạnh tranh ở các thị trường mới, phục vụ đến một nửa dân số thế giới.

Trong ngành hàng không có lịch sử 116 năm, phụ nữ đã tham gia rất nhiều bộ phận - cả phi công lẫn CEO. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo mới làm nên lịch sử khi là người phụ nữ đầu tiên thành lập và điều hành hãng bay của riêng mình - Vietjet Air. Với sự quyết liệt đó, bà Thảo vừa được Forbes bình chọn là một trong 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2019 - một danh sách tôn vinh những “bông hồng thép” đã phá vỡ nhiều định kiến, bứt phá khỏi giới hạn.

Thành công với Vietjet còn đưa khối tài sản của bà Thảo cất cánh, chạm mốc 2,5 tỷ USD và là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Đông Nam Á. 

Người phụ nữ làm nên lịch sử

CEO quyền lực châu Á Nguyễn Thị Phương Thảo: Nữ doanh nhân làm nên lịch sử, muốn đưa Vietjet Air vút lên ở trời Âu - Ảnh 1

 

Vietjet được thành lập năm 2007, đến nay đã vượt mặt hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines về số lượng hành khách. Riêng năm 2018, Vietjet đã chuyên chở được 23 triệu hành khách, chiếm 46% lượng hành khách máy bay của Việt Nam. 

Con số trên chỉ bằng phân nửa so với 44 triệu hành khách của AirAsia - hãng máy bay giá rẻ lớn nhất châu Á. Tuy nhiên Vietjet mới là đối thủ tăng trưởng nhanh hơn về doanh số, tăng 27% cán mức 54 nghìn tỷ đồng (2,3 tỷ USD) trong năm 2018. Trong khi đó, AirAsia tăng 9% lên mức 10,6 tỷ ringgit (2,5 tỷ USD). Năm nay, Vietjet kỳ vọng sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa và chuyên chở được 30 triệu hành khách, tăng 30% so với năm trước.

“Chúng tôi đã định vị Vietjet là hãng hàng không khu vực và quốc tế ngay từ những ngày đầu” - nữ CEO 49 tuổi cho biết. “Chiến lược của chúng tôi là mở rộng ra thị trường khu vực trong bán kính 2.500 km, từ đó tạo nền tảng để phục vụ một nửa dân số thế giới”.

Bí quyết thành công của Vietjet nằm ở việc nỗ lực lấp đầy số ghế trên mỗi chuyến bay nhằm duy trì chi phí thấp. Hiện tại Vietjet đang vận hành với chi phí 2,3 cent (tiền Mỹ) cho mỗi ghế cung ứng trên 1 km (ASK - available seat kilometer, đơn vị đo hiệu quả khai thác). So sánh với AirAsia lên tới 3,1 cent, mức giá của Vietjet tối ưu hơn nhiều. Chiến lược sắp tới của Vietjet vẫn là chất đầy nhiều hành khách hơn nữa trên các máy bay mới của hãng - những chiếc Airbus A321neo với thân hẹp. Hầu hết các hãng hàng không đều trang bị cho mẫu này không quá 180 ghế ngồi, nhưng Vietjet lắp đến 240 ghế, nghĩa là thêm gần ⅓ lượng hành khách.

Hiện tại tỷ lệ chỗ ngồi được lắp đầy trên các chuyến bay của Vietjet là khoảng 88%. Để duy trì và tăng tỷ lệ trên là một bài toán khó. “Đó là một phương trình mà có quá nhiều ẩn số cần phải tìm kiếm, và phải tìm ra tất cả mọi lời giải cùng lúc” - bà Thảo nói. “Có rất nhiều câu hỏi mà bạn phải giải quyết, và chỉ cần sai một ly thì cầm chắc thất bại”.

CEO quyền lực châu Á Nguyễn Thị Phương Thảo: Nữ doanh nhân làm nên lịch sử, muốn đưa Vietjet Air vút lên ở trời Âu - Ảnh 2

 

Những ẩn số mà bà Thảo đề cập luôn xuất hiện trong ngành công nghiệp hàng không đang phát triển của Việt Nam cũng như khu vực. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng khẳng định châu Á là một mảnh đất màu mỡ để Vietjet bành trướng thêm nữa. Ước tính nhu cầu dùng dịch vụ hàng không sẽ tăng gấp đôi ở châu Á - Thái Bình Dương trong vòng 20 năm tới, theo đó mức tăng trung bình là khoảng 2,8 tỷ hành khách/năm.

Việc đi lại hàng không ở Việt Nam cũng sẽ vút lên, khi tầng lớp trung lưu đang ngày càng nhiều. Năm 2018, các sân bay Việt Nam đã đón 106 triệu hành khách, tăng 13% so với năm ngoái. Trong đó, lượng khách nước ngoài là 16 triệu người, vọt lên 20%. 

Dự đoán được sự tăng trưởng nhanh, Vietjet đã đặt hàng 386 máy bay mới. Tầm nhìn xa của họ đã được đền đáp bằng quả ngọt. Cổ phiếu của công ty nhân lên gấp đôi kể từ khi IPO vào năm 2017, đạt giá trị vốn hóa 3 tỷ USD, lớn thứ nhì Đông Nam Á chỉ sau hãng bay quốc gia Singapore Airlines. Tận dụng thời thế, Vietjet cho biết đã thảo luận với các đối tác để mở rộng ra ngoài thị trường Việt Nam.

Thách thức lớn và ước mơ kì vĩ

CEO Phương Thảo, một người mẹ ba con, luôn được biết đến với sự tận tâm trong công việc. Bà thường làm đến tận khuya, bận lòng với những thử thách khó mà Vietjet đang phải đối mặt.

Trong đó bao gồm việc thương thảo để có vị trí đáp tại nhiều sân bay khắp châu Á, bởi chính phủ các nước luôn có quy định rất chặt chẽ. Ông  Albert Tjoeng - trợ lý giám đốc truyền thông của IATA tại văn phòng châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Các nước ASEAN có sáng kiến một thị trường hàng không chung nhưng lại không bao gồm các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Khu vực này cũng có các quy định và cách điều hành tương đối phức tạp. Vì vậy, để tăng cơ hội mở rộng thị trường, các hãng bay cần phải xử lý khôn khéo, phối hợp nhịp nhàng cả trên bầu trời lẫn mặt đất”. 

CEO quyền lực châu Á Nguyễn Thị Phương Thảo: Nữ doanh nhân làm nên lịch sử, muốn đưa Vietjet Air vút lên ở trời Âu - Ảnh 3

 

Một khó khăn nữa của Vietjet là cơ sở hạ tầng. Tại Việt Nam, hầu hết các sân bay lớn đều đang gồng gánh vượt quá khả năng. Tân Sơn Nhất điều phối tới 38 triệu hành khách trong năm 2018, so với khả năng vốn dĩ chỉ là 28 triệu người. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Đà Nẵng, Nha Trang và Hà Nội. 

Sự cạnh tranh trong nước cũng gay gắt hơn. Đến cuối năm ngoái, Việt Nam đã cấp phép đăng ký cho 174 máy bay thương mại từ ít nhất 4 hãng bay. Đầu năm nay, Bamboo Airlines trở thành hãng thứ năm, khởi đầu chỉ với 4 máy bay. Sau đó, Vingroup - tập đoàn có giá trị vốn hóa lớn nhất Việt Nam - cũng gia nhập cuộc chơi với Vinpearl Airlines.

Nhìn rộng ra, Vietjet lại đang đau đầu với bài toán chung của toàn ngành là tình trạng thiếu hụt phi công. Theo số liệu từ Boeing, ngành hàng không sẽ cần thêm 650.000 phi công mới trong vòng 20 năm tới, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có nhu cầu 244.000 người.

Trước những thử thách chồng chất, người dẫn đầu Vietjet Air vẫn không nản lòng. Bà tiếp tục nỗ lực lấp đầy ghế trên máy bay, ngoài ra còn tìm cách tăng lợi nhuận bằng cách mua sỉ máy bay thông qua khoản vay lãi suất thấp rồi bán lại cho các công ty cho thuê.

CEO quyền lực châu Á Nguyễn Thị Phương Thảo: Nữ doanh nhân làm nên lịch sử, muốn đưa Vietjet Air vút lên ở trời Âu - Ảnh 4

 

Forbes viết, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo dường như dự định làm nên lịch sử lần thứ hai, với quyết tâm đưa Vietjet trở thành hãng máy bay quốc tế đầu tiên đến từ Việt Nam. 

Nữ CEO cho biết: “Nếu chúng tôi có thể thiết lập hãng bay tại châu Âu, chúng tôi có thể bay đến mọi quốc gia từ đấy. Với ưu thế cạnh tranh của chúng tôi về dịch vụ, máy bay, chi phí, khả năng quản lý và cung cấp dịch vụ mới - tôi hoàn toàn tự tin sẽ có thể chiến đấu tốt ở các thị trường như châu Âu và Mỹ”. Đã làm nên lịch sử một lần, bà Thảo hoàn toàn có quyền tự tin vào một giấc mơ lớn như vậy.

Tin Cùng Chuyên Mục