Chính sách tài khóa và tiền tệ: Động lực phục hồi nền kinh tế!

Tại Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” vừa được tổ chức, các cơ quan chức năng, nhà quản lý một lần nữa nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa to lớn của chính sách tài khóa và tiền tệ đối với sự phục hồi của nền kinh tế sau những khó khăn của đại dịch Covid-19, cũng như khẳng định sẽ luôn kề vai, sát cánh cùng đội ngũ doanh nghiệp vượt qua hoạn nạn.

Cần những kịch bản điều hành phù hợp!

Trước diễn biến phức tạp và những ảnh hưởng chưa từng có bởi đại dịch Covid-19, nhất là sau làn sóng dịch lần thứ 4, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội.

Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng GDP bình quân của nước ta đạt 6,5 - 7%/năm; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đặt ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, nhiệm vụ của chính sách tài khóa và tiền tệ.

Chính sách tài khóa và tiền tệ: Động lực phục hồi nền kinh tế! - Ảnh 1

Thực tế cho thấy, những hỗ trợ quan trọng này đã tạo động lực để doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020. Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, những thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt cũng rất lớn. Cụ thể: Kinh tế thế giới và trong nước chưa hồi phục, rủi ro lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, giá nhiều mặt hàng nguyên, nhiên liệu trên thế giới tăng cao... Với độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng: Tất cả các rủi ro đó đều phải được tính đến và cần có những kịch bản điều hành phù hợp!

Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp!

Sẻ chia với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Việt Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thương mại, duy trì dòng chảy lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền, đồng thời ban hành, triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp.

Về cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đã chủ trì soạn thảo, trình ban hành Quyết định 07/2021/QĐ-TTg ngày 2/3/2021, Thông tư số 82/2021/TT-BTC ngày 30/9/2021, Thông tư số 121/2021/TT-BTC với các giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản cốt lõi trong lĩnh vực hải quan và các thông tư hướng dẫn, Tổng cục Hải quan đã đề xuất cắt giảm những chứng từ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, xử lý các vướng mắc phát sinh.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã và đang tăng cường nghiên cứu triển khai công tác hiện đại hóa và cấp trang thiết bị hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát hải quan. Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại (triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; Ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến); Triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu…

Trong giai đoạn tới, Hải quan Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách sâu rộng, toàn diện nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước. Trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ như: Rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về hải quan; Tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành hải quan trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ; Phối hợp đẩy mạnh triển khai kết nối, trao đổi chứng từ điện tử thông qua cơ chế một cửa ASEAN; Rà soát triển khai các thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia; Cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra tại cửa khẩu, các Bộ, ngành thực hiện hậu kiểm.

Đặc biệt, ngành Hải quan sẽ nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành, đồng hành cùng doanh nghiệp để phấn đấu cải cách thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí và thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Với chức năng của mình, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho biết: Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo 2 nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, gồm: Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 và Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với toàn bộ các đối tượng giống như quy định tại Điều 2 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/04/2021 của Chính phủ. Cụ thể, có 5 nhóm đối tượng được gia hạn: Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế; Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế; Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Sản phẩm cơ khí trọng điểm; Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính hiện đang dự kiến đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế của các tháng 6, 7, 8, 9 được gia hạn tới chậm nhất là ngày 20/11/2022.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thuế: Bộ Tài chính đã có văn bản lấy ý kiến các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và ngày 28/3/2022, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo trực tuyến lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo 2 nghị định nói trên. Hiện nay, dự thảo nghị định đang được hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành. Trường hợp được Chính phủ phê duyệt ban hành, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn lên tới 132.000-137.000 tỷ đồng. Khoản gia hạn này có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, cá nhân khi có thêm nguồn tài chính, sự hỗ trợ về dòng tiền để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.

 

Trả lời ý kiến doanh nghiệp liên quan đến một số chính sách giảm, giãn thuế, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trực tiếp chỉ đạo ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng đưa ra các giải pháp quản lý, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số của ngành tài chính. Đối với Tổng cục Thuế, thời gian qua đã triển khai nhiều biện pháp chuyển đổi số hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, ngành thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và tăng cường năng lực quản trị. Đề án hóa đơn điện tử cũng được triển khai thực hiện, tạo ra công cụ cho quản trị doanh nghiệp và tạo lập thị trường, dịch vụ hóa đơn điện tử, tạo thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và người nộp thuế. Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh triển khai quản lý thuế thương mại điện tử. Các giải pháp quản lý thuế theo phương thức hiện đại đã góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt trong năm 2021, khi thực hiện giãn cách kéo dài.

Tin Cùng Chuyên Mục