Cổ phiếu Apple giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021

Kim Dung

Hoạt động sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở Trung Quốc bị đình trệ gây ra sự thiếu hụt nguồn cung cho sản phẩm chủ lực của Apple dẫn đến những đợt sụt giảm giá cổ phiếu gần đây.

Chốt phiên giao dịch 27/12, cổ phiếu của Apple lùi về mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021 trong bối cảnh cổ phiếu các hãng công nghệ lớn trên thế giới liên tục bị bán tháo và lo ngại về nguồn cung iPhone, đặc biệt là sản phẩm iPhone 14 Pro, trước kỳ nghỉ lễ quan trọng.

Theo Bloomberge, cổ phiếu Apple đã giảm 1,4% trong phiên giảm thứ ba liên tiếp. Dù vậy, Apple vẫn là công ty vượt trội trong lĩnh vực công nghệ năm 2022 khi giá cổ phiếu giảm 27%, thấp hơn mức giảm 34% của Chỉ số Nasdaq 100.  Thế nhưng, trong tháng qua cổ phiếu Apple có phần thụt lùi so với thước đo “sức khỏe” của lĩnh vực công nghệ Mỹ Nasdaq 100.

Cổ phiếu Apple giảm xuống mức thấp nhất sau 1,5 năm.
Cổ phiếu Apple giảm xuống mức thấp nhất sau 1,5 năm.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc bị đình trệ gây ra sự thiếu hụt nguồn cung cho sản phẩm chủ lực của Apple. Điều này đã dẫn đến những đợt sụt giảm giá cổ phiếu gần đây của Nhà Táo.

Ngày 27/12, JPMorgan Chase, một trong những công ty dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới, cho biết nguồn cung iPhone đang dần “cải thiện và nhích dần theo hướng ngang bằng với nhu cầu”. Thông thường vào thời điểm này trong năm, nguồn cung của Apple đã kịp đáp ứng với nhu cầu của thị trường. Vì vấn đề này, ​​kết quả kinh doanh Nhà Táo trong quý IV/2022 dự kiến sẽ thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích.

Tháng trước, Maestri, CFO của Apple cho biết nguồn cung đang bị hạn chế nhưng công ty đang "làm việc chăm chỉ nhất có thể" để đáp ứng kịp nhu cầu của người tiêu dùng.

Trên thị trường thế giới, cổ phiếu công nghệ bị sụt giảm mạnh trong ngày 27/12, với chỉ số Nasdaq 100 giảm 1,5%.

Tập đoàn này đang phải đối mặt với tháng 12 có hiệu suất tồi tệ nhất kể từ kỷ nguyên dotcom (kỷ nguyên bong bóng của thị trường chứng khoán Mỹ, xảy ra vào thập niên 90) khi các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lập trường "diều hâu" do phải vật lộn với lạm phát.

Phe diều hâu (Hawkish) là phe các nhà hoạch định chính sách và cố vấn ủng hộ lãi suất cao hơn để kiểm soát lạm phát. Đối lập với phe diều hâu là phe bồ câu (Dovish), các nhà hoạch định chính sách thích chính sách lãi suất phù hợp hơn, thấp hơn và kích thích chi tiêu trong nền kinh tế.

Tin Cùng Chuyên Mục