"Cục Thú y từ chối hồ sơ đăng ký kiểm dịch của doanh nghiệp là không có căn cứ pháp lý"

Ngọc Trìu

Đó là ý kiến của Luật sư Phạm Thị Hương (Công ty Luật Thiện Minh Long - Đoàn Luật sư Hà Nội) xung quanh việc Cục Thú y từ chối kiểm dịch lô hàng nội tạng nhập khẩu rồi gia công chế biến xuất khẩu của Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Quảng Ninh.

Luật sư Hương nêu quan điểm, tại khoản 1, Điều 11, Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/06/2016 của  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có quy định như sau: “1. Việc kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật để gia công, chế biến hàng xuất khẩu được thực hiện theo quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu”.

Quy định này sẽ dẫn chiếu đến Phụ lục I về Danh mục Động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải được kiểm dịch, trong đó mục II quy định về sản phẩm động vật như sau: 1. Thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm từ thịt, phủ tạng, phụ phẩm của động vật quy định tại mục I của Danh mục này ở dạng tươi sống, hun khói, phơi khô, sấy, ướp muối, ướp lạnh, đông lạnh, đóng hộp”.

Căn cứ quy định này, các sản phẩm động vật là “phủ tạng” khi nhập khẩu vào Việt Nam (để sản xuất, tiêu dùng trong nước hay tạm nhập tái xuất hay gia công chế biến hàng xuất khẩu) đều phải được kiểm dịch trước khi thông quan.

Như vậy, lô hàng nhập khẩu các sản phẩm phủ tạng để gia công chế biến hàng xuất khẩu của Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Quảng Ninh thuộc trường hợp phải kiểm dịch trước khi nhập khẩu và việc công ty này nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch là đúng quy định pháp luật.

Về việc Cục Thú y cho rằng "Theo quy định tại khoản 2, Điều 11, Thông tư 25 là: Sản phẩm động vật trên cạn, bao gồm: Thịt, tai, đuôi, chân, cánh của gia súc, gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam và kết luận: Các sản phẩm do công ty đề nghị đăng ký nêu trên không thuộc quy định của Việt Nam về nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu", theo tôi là không đúng nội dung quy định tại điều khoản này, bởi vì: Danh mục sản phẩm động vật trên cạn được quy định tại Phụ lục I nêu trên. Khoản 2 chỉ liệt kê ra một số loại sản phẩm động vật trên cạn phải đáp ứng điều kiện bổ sung khi đăng ký kiểm dịch. Khoản 2 này không có nội dung, từ ngữ nào thể hiện việc CHỈ các sản phẩm động vật trên cạn, bao gồm: Thịt, tai, đuôi, chân, cánh của gia súc, gia cầm MỚI nhập khẩu vào Việt Nam để gia công, chế biến hàng xuất khẩu.

Do đó, trong vụ việc này, Cục Thú y từ chối hồ sơ đăng ký kiểm dịch của doanh nghiệp là không có căn cứ pháp lý.

Luật sư Hương cho rằng Cục Thú y từ chối hồ sơ đăng ký kiểm dịch của doanh nghiệp là không có căn cứ pháp lý.
Luật sư Hương cho rằng Cục Thú y từ chối hồ sơ đăng ký kiểm dịch của doanh nghiệp là không có căn cứ pháp lý.

Việc doanh nghiệp khiếu nại văn bản trả lời có nội dung từ chối thực hiện thủ tục hành chính của Cục Thú y là đúng với quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 và Cục Thú y có trách nhiệm giải quyết khiếu nại cho doanh nghiệp. Trường hợp, doanh nghiệp không đồng ý thì có quyền khiếu nại lần 2 lên Bộ NN&PTNT hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.

Tin Cùng Chuyên Mục