Cục thuế Hà Nội ra quyết định cưỡng chế thuế Tập đoàn FLC (FLC) gần 90 tỷ đồng

An An

Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Tập đoàn FLC tại các ngân hàng.

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã ck: FLC) vừa cho biết đã nhận quyết định của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc cưỡng chế thuế do có số tiền quá hạn nộp.

Số tiền cưỡng chế đã bao gồm tiền nộp phạt và tiền chậm nộp, tổng giá trị gần 90 tỷ đồng. Trong số này có khoảng 61 tỷ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp, 14 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân; phần còn lại chủ yếu là tiền chậm nộp.

Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Tập đoàn FLC tại các ngân hàng. Trong trường hợp tài khoản còn ít hơn số tiền cưỡng chế, các ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi để trích tiếp khi những tài khoản này phát sinh giao dịch có.

Cục thuế cũng lưu ý do FLC mở tài khoản tiền gửi tại nhiều ngân hàng, để tránh việc các ngân hàng trích vượt số tiền cưỡng chế, Cục thuế đề nghị các ngân hàng thông báo cho bộ phận quản lý nợ trước khi nộp tiền.

Trước đó, vào tháng 10/2023, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng ra quyết định cưỡng chế hơn 81,6 tỷ đồng tiền thuế đối với doanh nghiệp này vì lý do tương tự.

FLC không thể nộp thuế đúng hạn trong bối cảnh dòng tiền của Công ty đang gặp nhiều khó khăn. Hiện FLC vẫn chưa công bố báo cáo tài chính từ cuối năm 2022.

Việc không công bố báo cáo tài chính khiến cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết tại Sở Giao dịch chứng vào giữa tháng 2/2023. Cổ phiếu này chuyển sang đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM sau đó nửa tháng và được Sở Giao dịch Hà Nội (HNX) chấp thuận. Tuy nhiên, ngay sau thông báo chấp thuận này, HNX ra thêm quyết định đình chỉ giao dịch cổ phiếu.

Gần đây nhất vào đầu tháng 1/2024, FLC tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để trình cổ đông thông qua đơn từ nhiệm của 2 thành viên Hội đồng quản trị, một thành viên Ban kiểm soát và thông tin về kết quả tái cơ cấu cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Tuy nhiên, phiên họp không thể tiến hành do chỉ có 94 người đại diện cho khoảng 32% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đến tham dự, trong khi quy định cần tối thiểu 50% cổ phần có quyền biểu quyết.

Tin Cùng Chuyên Mục