Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) nắm quyền 89% kiểm soát Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng đầu tư 12.668 tỷ, doanh thu ước đến 32.000 tỷ đồng

An An

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đi vào vận hành khai thác từ quý III/2022 với doanh thu bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng/ngày đêm, tương đương trên 910 tỷ đồng/năm.

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (mã ck: CII) vừa công bố thông tin, công ty con của CII là Công ty cổ phần Đầu tư Cầu đường CII (CII B&R) đã được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước để chính thức nắm giữ 89% cổ phần tại Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trước đó, CII B&R đã nắm giữ 50% vốn của Trung Lương - Mỹ Thuận và đạt được thỏa thuận mua lại 39% từ Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc.

Báo cáo hợp nhất soát xét của CII cho thấy, tại ngày 30/6, CII B&R nắm giữ 50% vốn của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, giá trị gốc đầu tư của CII tại công ty BOT này là 831 tỷ đồng.

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) nắm quyền 89% kiểm soát Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng đầu tư 12.668 tỷ, doanh thu ước đến 32.000 tỷ đồng - Ảnh 1

Như vậy Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ chính thức trở thành công ty con và sẽ được hợp nhất doanh thu, lợi nhuận vào kết quả kinh doanh của CII B&R cũng như CII.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án có tổng mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ đồng, cao nhất trong danh mục hiện hữu của CII. Dự án đã đi vào vận hành khai thác từ quý III/2022 với doanh thu bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng/ngày đêm, tương đương trên 910 tỷ đồng/năm.

Với mức tăng trưởng lưu lượng hằng năm ước tính khoảng 6,3% và lộ trình tăng giá vé như được quy định trong hợp đồng BOT, tổng doanh thu tính đến cuối dự án dự kiến khoảng 32.000 tỷ đồng.

Tổng chiều dài tuyến cao tốc là 51,5 km, nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc Tp.HCM -Trung Lương), điểm cuối tại nút giao An Thái Trung.Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược kết nối Tp.HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khi kết hợp với cao tốc TPHCM – Trung Lương, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành một tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TPHCM đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Việc đưa dự án vào khai thác đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp.HCM đi đến trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long từ 7 tiếng xuống còn khoảng 3,5 tiếng.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường 2023 vào giữa tháng 10, cổ đông CII cũng đã thông qua việc đưa cao tốc Tp.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 vào danh sách 6 dự án mà Công ty tập trung thực hiện trong giai đoạn 2024-2030.

Đại hội cũng đã thống nhất 2 nội dung quan trọng khác, đó là điều chỉnh ngành nghề kinh doanh, khi bổ sung chi tiết lĩnh vực kinh doanh bất động sản, không bao gồm đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.

Ngoài ra, CII cũng sẽ dự kiến trình cổ đông định hướng phát triển chiến lược giai đoạn 2024 - 2030, bao gồm cho phép CII bố trí ngân sách để đẩy mạnh việc nghiên cứu các dự án BOT và các dự án hạ tầng giao thông khác; bố trí ngân sách để nghiên cứu đầu tư vào các hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí.

Tin Cùng Chuyên Mục