Eximbank: Không thể tổ chức đại hội cổ đông, thiệt hại thuộc về ai?

Quỳnh Chi

"Cuộc chiến vương quyền" ở Eximbank đã diễn ra suốt 6 năm qua, trong đó giai đoạn căng thẳng nhất từ 3 năm trở lại. Có người cũ, người mới, nhưng các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.

3 năm, chỉ tổ chức được 1 đại hội

Sáng 26/4/2021, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (AGM 2020) lần 3 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tiếp tục bất thành, do không thông qua được quy chế tổ chức.

Ảnh: Doanhnhan.vn
Ảnh: Doanhnhan.vn

Theo điều lệ của Eximbank, cuộc họp lần 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào số lượng cổ đông hay đại diện ủy quyền tham dự và được coi là hợp lệ và có quyền quyết định tất cả các vấn đề mà ĐHĐCĐ lần thứ nhất có thể phê chuẩn. 

Sau cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 sáng 26/4, Eximbank cũng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vào sáng 27/4. 

Trao đổi với Doanhnhan.vn, một cổ đông lớn tuổi lâu năm của Eximbank, cho biết đã bay từ TP HCM ra Hà Nội để tham dự, với kỳ vọng Đại hội sẽ được tiến hành để thông qua các chủ trương quan trọng. Tuy nhiên, khi vẫn có tới 54% số cổ đông phủ quyết khiến Đại hội không đủ điều kiện tiến hành thì sự thất vọng thể hiện rõ rệt ở các cổ đông.

Ảnh: Doanhnhan.vn
Ảnh: Doanhnhan.vn

Không chỉ vị cổ đông này, mà nhiều cổ đông khác cũng đã cảm thấy mệt mỏi với tình cảnh của Eximbank. Kể từ AGM 2018, Eximbank chưa tổ chức thành công một đại hội đồng cổ đông nào, dẫn tới ngân hàng không có HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới, dù nhiệm kỳ cũ đã hết hạn; không có Tổng giám đốc, cũng là người đại diện theo pháp luật duy nhất; các kế hoạch kinh doanh, chi tiêu cũng chưa được thông qua. Thực trạng này kéo lùi sự phát triển của Eximbank, trong bối cảnh ngành ngân hàng tăng trưởng rất tốt những năm vừa qua.

Có một chi tiết đáng lưu ý, là AGM 2020 lần 3 có sự tham gia của 97 cổ đông, đại diện cho 94,51% cổ phần, là mức kỷ lục từ trước đến nay. Điều này có nghĩa rằng, số lượng cổ đông đã đầy đủ và cũng không còn yêu cầu túc số như hai lần AGM trước. Nó cũng cho thấy, các cổ đông nhỏ lẻ chỉ sở hữu chừng 5% cổ phần, đi kèm với tiếng nói rất nhỏ bé.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quyền lợi của họ ở vị trí thấp hơn các cổ đông lớn. Mong muốn một Eximbank ổn định là hoàn toàn chính đáng, và cũng góp phần lành mạnh hoá hệ thống các tổ chức tín dụng.  

Vậy thì, ai đang không muốn AGM 2020 diễn ra? Liệu có phải là nhóm cổ đông đã phủ quyết thông qua quy chế họp với tỷ lệ 54,69%?

Để trả lời câu hỏi này, cần nhắc lại thực trạng hiện nay của Eximbank.

Không thể tiến hành Đại hội cổ đông, thiệt hại thuộc về ai?

Căng thẳng giữa các nhóm cổ đông leo thang sau khi HĐQT Eximbank có Nghị quyết 112 ngày 22/3/2019 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc. Các bên sau đó chìm trong tranh cãi pháp lý. Ông Quốc ngày 15/5/2019 với cương vị Chủ tịch HĐQT đã ký Nghị quyết 231 huỷ bỏ Nghị quyết 112.

Cơ cấu hội đồng quản trị 9 người của Eximbank lúc này chia thành 2 phía rõ ràng, gồm 6 người ủng hộ ông Lê Minh Quốc và 3 người còn lại bỏ phiếu chống với mọi quyết định của HĐQT sau Nghị quyết 231, khẳng định Nghị quyết 231 lẫn vai trò Chủ tịch HĐQT của ông Cao Xuân Ninh và hiện nay là ông Yasuhiro Saitoh là trái pháp luật.

Trong bối cảnh đó, cổ đông chiến lược SMBC dường như đã hết kiên nhẫn với đội ngũ lãnh đạo hiện nay của Eximbank. Từ năm 2019 đến nay, tập đoàn này liên tục yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường (EGM) với mục tiêu thanh lọc hội đồng quản trị, thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm với từng thành viên; sau khi loại bỏ những thành viên kém uy tín, sẽ tiến hành bầu mới HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2020-2025.

Cuối tháng 6/2020, EGM đã không thể tiến hành do không đủ túc số. Theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Eximbank, EGM lần 2 phải được tiến hành trong vòng 30 ngày tiếp theo. Dù vậy, tới nay đã 10 tháng trôi qua song HĐQT vẫn chưa hẹn ngày tổ chức lại Đại hội bất thường theo yêu cầu hợp pháp của cổ đông Nhật Bản.

Tại AGM 2020 lần 3 ngày 26/4, SMBC tiếp tục đề xuất các nội dung:

(1) Thông báo nội dung tư vấn độc lập về nhận định các vấn đề tồn tại của EIB và các khuyến nghị khắc phục của Ủy ban Độc lập thuộc HĐQT;

(2) Xem xét việc đánh giá, lựa chọn thành viên và cắt giảm quy mô HĐQT từ 10 xuống 5-7;

(3) Xem xét việc từ chức của ông Yasuhiro Saitoh khỏi các vị trí thành viên và Phó Chủ tịch HĐQT EIB.

Tuy nhiên đề xuất này đã không được HĐQT bổ sung vào chương trình nghị sự.

Nhóm cổ đông phủ quyết chiếm 54,69% cổ phần tham dự đại hội tương đương 51,7% cổ phần có quyền lưu hành, đồng nghĩa với đây mới là nhóm nắm lợi thế lớn trong "cuộc chiến" quyền lực ở Eximbank. Tuy nhiên tại HĐQT lại là câu chuyện khác, khi nhóm 6 Thành viên HĐQT được cho là đối lập lợi ích với nhóm cổ đông nắm quá bán.

Bởi vậy, không bất ngờ khi có những thành viên HĐQT trì hoãn, thậm chí cản trở yêu cầu của SMBC về thanh lọc, trên cơ sở đó bầu ra HĐQT mới.

Cuối năm 2019, nhóm 6 thành viên HĐQT, gồm các ông Cao Xuân Ninh, Saitoh, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Nguyễn Quang Thông và Lê Minh Quốc, cùng BKS Eximbank đã bị NHNN xử phạt vì không tổ chức EGM theo triệu tập của SMBC.

Sáng nay 27/4, Eximbank dự kiến tiếp tục tổ chức AGM 2021, với nội dung trọng tâm là bầu mới HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh những tồn tại vẫn chưa thể xử lý, rất có thể AGM 2021 sẽ tiếp tục lỡ hẹn. Các cổ đông nhỏ lẻ, như vị cổ đông lớn tuổi đến từ TP.HCM, chắc hẳn sẽ lại ra về trong mệt mỏi và cạn kiệt niềm tin nơi lãnh đạo Eximbank.

Tin Cùng Chuyên Mục