Hai ông lớn nhà băng Agribank, BIDV “chật vật” thu hồi vốn tại Agritour

Quỳnh Chi

Sự yếu kém trong tài chính của Công ty CP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour) đang khiến BIDV chưa thể thu hồi khoản nợ vay hàng trăm tỉ đồng, còn Agribank dậm chân tại chỗ với khoản vốn đầu tư vào doanh nghiệp này.

Hai ông lớn nhà băng Agribank, BIDV “chật vật” thu hồi vốn tại Agritour

Đấu giá tới 6 lần vẫn chưa thành công của BIDV

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa tiếp tục có thông báo về việc bán đấu giá lần 6 khoản nợ của Công ty cổ phần Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour). Theo đó, tổng dư nợ của khoản nợ tính đến hết ngày 3/10/2019 là hơn 438,9 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc vào khoảng 331,8 tỷ đồng và dư nợ lãi hơn 107 tỷ đồng.

Khoản nợ có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng hơn 8.000m2 đất thuộc thửa đất số 50, tờ bản đồ số 51 tọa lạc tại phường 2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với thời hạn sử dụng đến tháng 12/2045. Giá khởi điểm được BIDV đưa ra cho khoản nợ này là hơn 368 tỷ đồng, tiền cọc trước tương ứng với 20% giá khởi điểm là 73,7 tỷ đồng. Như vậy, mức giá khởi điểm này chỉ bằng gần 84% giá trị của khoản nợ.

Khách sạn Mỹ Lệ là một trong những khách sạn trong hệ thống của Agritour
Khách sạn Mỹ Lệ là một trong những khách sạn trong hệ thống của Agritour

Khoản nợ của Agritour tại BIDV được hình thành từ năm 2015. Theo bản công bố thông tin năm 2020 của Agritour, thời hạn vay của khoản nợ trên là 12 tháng kể từ ngày 15/7/2016. Mục đích vay vốn là bổ sung vốn lưu động, cấp bảo lãnh và mở L/C, hạn mức cho vay 350 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ có giá trị hơn 415 tỷ đồng.

Đến nay, khoản nợ đã quá hạn trả nhiều năm và BIDV đã nhiều lần thông báo đấu giá và giảm giá nhưng vẫn chưa thể thu hồi được.

Agribank cũng mắc kẹt tại Agritour

Cùng loay hoay trong Agritour với BIDV còn có sự góp mặt của ông lớn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Nhưng khác với BIDV, Agribank là một cổ đông lớn của Agritour và nhiều lần thực hiện thoái vốn nhưng không thành.

Cụ thể, Agribank sở hữu 5,29 triệu cổ phần Agritour (tương đương 23% vốn điều lệ). Tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, số cổ phần của Agritour có giá trị 52,9 tỷ đồng.

Agribank đã thực hiện bán đấu giá số cổ phần trên 4 lần nhưng đều không thành công. Trong lần đấu giá gần đây nhất (tháng 3/2020), nhà băng đăng kí thoái hết số vốn tại Agritour với mức giá khởi điểm là 14.276 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 7% so với lần đấu giá năm 2019 (15.370 đồng/cổ phiếu) và giảm hơn 25% so với lần chào bán đầu tiên vào cuối năm 2017 (18.990 đồng/cổ phiếu).

Kinh doanh bết bát, Agritour thua lỗ liên tiếp

Agritour tiền thân là Công ty Du lịch Thương mại Nông nghiệp được thành lập ngày 27/2/1995. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 230 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng, các công trình phục vụ du lịch và dân dụng; đầu tư, kinh doanh bất động sản, hạ tầng bất động sản... Công ty đang sở hữu Khách sạn Mỹ Lệ rộng gần 10.000 m2 tại số 57 - 59 Thùy Vân, Phường 2, TP Vũng Tàu.

Kết quả kinh doanh cho thấy Agritour làm ăn thua lỗ từ năm 2017 đến nay. Năm 2017 công ty lỗ 67 triệu, năm 2018 lỗ hơn 1,4 tỷ. Năm 2019 vẫn lỗ hơn 2 tỷ đồng, mặc dù doanh thu có tăng do công ty ký kết được hợp đồng bán hàng hóa trị giá gần 38 tỷ.

Lãnh đạo Agritour lý giải, lợi nhuận công ty vẫn âm bởi nguồn thu chính đến từ mảng kinh doanh khách sạn nhưng khách sạn Mỹ Lệ trực thuộc đang bị xuống cấp trầm trọng, lượng khách ngày càng thấp, trong khi công ty vẫn phải trả các chi phí vận hành.

Sự đi xuống trầm trọng của Agritour còn xuất phát từ việc phần lớn nguồn vốn kinh doanh bị chiếm dụng bởi Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, cổ đông lớn nhất của công ty (nắm giữ 51,03% vốn điều lệ) do ông Trần Văn Mười làm chủ tịch.

Tin Cùng Chuyên Mục