Kazakhstan: luôn đón chào doanh nghiệp Việt

Ngọc Anh

Đầu tháng 12, DN&PL đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam - ngài Yerlan Baizhanov. Trong buổi phỏng vấn, ngài Đại sứ chia sẻ về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa 2 nước, những vấn đề 2 nước cần lưu ý để thúc đẩy giao thương hơn nữa, cũng như cơ hội phát triển của các doanh nghiệp Việt tại Kazakhstan.

Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 30 năm Việt Nam - Kazakhstan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đã có rất nhiều cuộc hội đàm và đưa tin về vấn đề địa chính trị giữa hai nước, tuy nhiên, chưa có nhiều bài viết khai thác sâu về góc độ kinh tế - thương mại. Vậy, ngài có thể chia sẻ với độc giả của DN&PL đánh giá của mình về tình hình hợp tác kinh tế - thương mại của hai nước trong những năm gần đây?

Đầu tiên tôi xin gửi lời chào tới DN&PL cùng các độc giả. Quan hệ Việt Nam - Kazakhstan vốn được xây dựng trên nền tảng hữu nghị và chúng ta vẫn luôn duy trì quan hệ tốt đẹp về mọi mặt, trong đó có quan hệ kinh tế - thương mại trong suốt những năm qua. Việt Nam và Kazakhstan đã có nhiều cuộc tiếp xúc các cấp giữa hai nước, gần đây nhất là cuộc viếng thăm cấp cao của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới Kazakhstan theo lời mời của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev. Trong cuộc gặp mặt này, lãnh đạo hai nước đã trao đổi và đưa ra nhiều phương án nhằm thúc đẩy hơn nữa tiềm năng hợp tác kinh tế trong tương lai.

Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam - ngài Yerlan Baizhanov
Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam - ngài Yerlan Baizhanov

Tuy nhiên, nói về khía cạnh trao đổi hàng hoá thương mại phải nhắc đến thời điểm Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam (VN-EAEU FTA) năm 2016. Kể từ sau khi hiệp định này được ký kết, sản lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang Kazakhstan đã tăng mạnh. Trong những năm gần đây, giá trị trao đổi hàng hóa hàng năm giữa hai nước ước tính khoảng 450 - 500 triệu USD. Theo thống kê từ phía Việt Nam, riêng trong năm 2021, con số này đã đạt khoảng 600 triệu USD. Mặc dù vậy, trao đổi giữa hai nước vẫn ở mức trung bình, chưa cân xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Vậy đâu là lý do? Có thể thấy, nguyên nhân là do việc trao đổi hàng hoá giữa hai bên chưa có hệ thống chung cũng như còn thiếu các cơ sở pháp luật, hiệp định chung. Hiện nay, phần lớn hoạt động trao đổi đều do doanh nghiệp hai bên tự tìm hiểu và trao đổi với nhau, chưa có sự điều phối từ Chính phủ.

Theo tôi, tình trạng này cần được cải thiện trong thời gian tới thông qua việc ký kết Hiệp định thương mại và chính sách thu hút đầu tư từ Chính phủ hai nước. Trong cuộc gặp mặt vừa qua, Tổng thống Tokayev đã nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Kazakhstan. Đặc biệt, Tổng thống Tokayev có kế hoạch sẽ đến thăm Việt Nam vào đầu năm 2023 để tiếp tục thúc đẩy quan hệ ngoại giao cũng như hợp tác trao đổi giữa hai nước, từ đó, nỗ lực đạt được mục tiêu nâng giá trị trao đổi hàng hóa song phương lên 1,5 tỷ USD trong những năm tới.

Với cương vị là một Đại sứ, ngài đánh giá như thế nào về hệ thống luật pháp và thủ tục hành chính hiện nay của hai quốc gia? Theo Đại sứ, luật pháp có vai trò và ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước?

Hiện tại, tôi không thấy có bất cứ điều luật nào có thể cản trở việc hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Kazakhstan và Việt Nam đã ký kết các hiệp định dựa trên cơ sở pháp lý từ 10 năm trước, trong đó có Hiệp định chống đánh thuế hai lần, bảo lãnh doanh nghiệp đầu tư... trong năm 2023, hai nước dự định tiếp tục ký kết một số hiệp định hợp tác, trong đó có Hiệp định miễn thị thực song phương. Đồng thời, Kazakhstan cũng đang gửi bản kiến nghị 21 mục về giải pháp thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt trong đó là việc thành lập quỹ đầu tư chung do sản phẩm giữa hai nước có tính chất bổ sung cho nhau. Đặc biệt, Kazakhstan có nền tài chính công nghệ phát triển cũng là nước có trữ lượng tài nguyên lớn và đa dạng, Chính phủ rất khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tới khai thác, xây dựng nhà máy và sản xuất thành phẩm ngay trên lãnh thổ Kazakhstan.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Chủ tịch Thượng viện Kazakhstan Maulen Ashimbayev
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Chủ tịch Thượng viện Kazakhstan Maulen Ashimbayev

Về thủ tục hành chính, doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng tiếp cận và hoàn thành nhanh chóng thủ tục nhờ chính sách giải quyết một cửa - cơ quan phụ trách đầu tư tại Kazakhstan sẽ tiếp nhận, tư vấn và trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình xây dựng cơ sở và hoạt động sản xuất, thương mại. Điều này nhằm tránh tình trạng tham nhũng và đơn giản hoá thủ tục cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Kazakhstan có nhiều ưu đãi đối với doanh nghiệp như: Cấp đất xây dựng, áp dụng thuế xuất thấp trong vòng 05 năm, Chính phủ sẽ đài thọ toàn bộ chi phí xây dựng nhà máy sản xuất và doanh nghiệp chỉ cần hoàn lại 30% chi phí này sau khi chính thức hoạt động.

Theo tôi, cản trở duy nhất giữa hai nước là khoảng cách địa lý, do Kazakhstan không có biển nên vận tải đường thuỷ hiện tại phải thông qua Trung Quốc. Ngoài ra, chưa có tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Kazakhstan nên hiện nay chi phí và thời gian vận chuyển còn là gánh nặng. Theo tôi, Chính phủ hai nước nên lưu ý để giải quyết vấn đề này trong tương lai, trong đó, hành lang vận tải Việt Nam - Trung Quốc - Kazakhstan (EAEU) - châu Âu, thuê cảng quốc tế hay xây dựng kho hàng quốc tế của Việt Nam tại Kazakhstan có thể là những giải pháp hiệu quả.

Đại sứ có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp Kazakhstan đang kinh doanh tại Việt Nam và ngược lại? Theo Đại sứ, các doanh nghiệp Việt Nam tại Kazakhstan cần những điều kiện gì để có thể thành công và phát triển tại thị trường Kazakhstan?

Tôi cho rằng, trước khi thâm nhập bất kỳ thị trường nào, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ sở thích, xu hướng tiêu dùng cũng như các chính sách tài chính - ngân hàng của nước sở tại. Bên cạnh đó, các thủ tục thành lập doanh nghiệp và cơ chế chính trị nước đầu tư cũng là yếu tố cần chú ý.

 

“Tôi cho rằng, trước khi thâm nhập bất kỳ thị trường nào, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ sở thích, xu hướng tiêu dùng cũng như các chính sách tài chính - ngân hàng của nước sở tại. Bên cạnh đó, các thủ tục thành lập doanh nghiệp và cơ chế chính trị nước đầu tư cũng là yếu tố cần chú ý”.

Về phía Kazakhstan, chúng tôi rất chào đón các doanh nghiệp Việt Nam tới xây dựng và phát triển. Hiện nay, công ty liên doanh Mareven Food với 50 triệu đô vốn góp của Việt Nam có trụ sở được xây dựng tại Kazakhstan. Công ty này sản xuất sản phẩm thực phẩm từ lúa mỳ Kazakhstan, tuy nhiên 80% sản lượng của họ được xuất sang nước thứ 03 chứ không chỉ tiêu thụ tại Kazakhstan và họ đang tiếp tục muốn mở rộng thêm cơ sở sản xuất. Từ đó để thấy, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng tài nguyên của Kazakhstan, sản xuất tại chỗ và phân phối sang nhiều thị trường lân cận, đây cũng là hướng đi có lợi cho doanh nghiệp.

Công ty liên doanh Mareven Food
Công ty liên doanh Mareven Food

Ngài đánh giá thế nào về khả năng hợp tác kinh tế và phát triển của doanh nghiệp hai quốc gia trong thời gian tới?

Trong năm 2022, chúng ta đã thành công mở đường bay thẳng Kazakhstan - Việt Nam, đây là thành tựu rất lớn giúp thúc đẩy giao thương. Bản thân tôi cũng đã có những người bạn từ Kazakhstan bay sang Việt Nam để du lịch kết hợp tìm hiểu thị trường kinh doanh. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để hai nước phát triển du lịch, Việt Nam và Kazakhstan đều có tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn, cùng với hiệp định miễn thị thực trong tương lai, chắc chắn sẽ tạo điều kiện phát triển bùng nổ lĩnh vực này. Cùng với đó, trong chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân, Thủ tướng Tokayev đã cam kết, nếu các hãng vận tải hàng không Việt Nam có nguyện vọng mở đường bay với Kazakhstan, Tổng thống sẽ đứng ra bảo lãnh và hỗ trợ doanh nghiệp Việt kết nối tại Kazakhstan.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thế mạnh sản xuất về da giày, may mặc, linh kiện điện tử, thực phẩm... trong khi đó, Kazakhstan có nhiều tài nguyên đa dạng, mỏ quặng, bông sợi, da, lúa mỳ.... hai nước hoàn toàn có thể kết hợp cùng sản xuất và trao đổi hàng hoá. Tôi tin rằng tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước rất lớn và với nỗ lực của Chính phủ hai bên, chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian sắp tới.

“Kazakhstan hiện chỉ có khoảng 19 triệu dân, tuy nhiên, đất nước Kazakhstan phát triển rất hiện đại và có nhiều tài nguyên để khai thác, tôi cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi các mô hình phát triển về tài chính cũng như công nghệ của Kazakhstan, và ngược lại, Kazakhstan luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp Việt tới hợp tác trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá”…

Tin Cùng Chuyên Mục