Khao khát chinh phục thuốc Đông y

Hiền Lương

Luôn vượt qua mọi thử thách với tôn chỉ: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”, chị Vũ Thị Hương, GĐ Công ty TNHH DAMIKA đang nỗ lực từng ngày để mang những bài thuốc đông y hiệu quả phục vụ sức khoẻ người dân, hướng tới một cuộc sống chất lượng hơn.

 
Khi đưa ra quyết định bước chân vào chốn “thương trường”, lại trong lĩnh vực dược phẩm với sự cạnh tranh rất cao, tôi chấp nhận đối mặt với mọi khó khăn. Để đưa được sản phẩm tới tay người tiêu dùng không hề đơn giản và dễ dàng nhưng tôi luôn quan niệm: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông

Chào chị, được biết chị đã từng kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, vậy lý do gì khiến chị “quay ngoắt” sang lĩnh vực dược phẩm đông y?

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị Du lịch – Khách sạn năm 2014, tôi đã từng trải qua nhiều công việc kinh doanh như mở nhà hàng ăn uống, kinh doanh vali, balo, túi xách… và sau đó là tôi đến với ngành dược như một cái duyên. Tôi may mắn được gặp gỡ và nói chuyện với nữ giám đốc của một doanh nghiệp tư nhân. Nghe kể về các bài thuốc mà gia đình chị đang nghiên cứu cũng như những trăn trở, khó khăn về việc đưa bài thuốc hiệu quả này phục vụ cho sức khoẻ người tiêu dùng, tôi đã bị kích thích và bắt đầu tìm hiểu về nó. Sau một thời gian tìm hiểu, với đam mê kinh doanh sẵn có, tôi đã bắt tay vào xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực dược.

Dược phẩm đông y là một lĩnh vực hoàn toàn mới nhưng mang lại cho tôi những dấu ấn đặc biệt và rất nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm. Thông qua lĩnh vực này, tâm nguyện của tôi là hướng tới mục tiêu “sức khỏe và sắc đẹp”. Tôi mong muốn người tiêu dùng có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn, mang đến cho mọi người một cuộc sống chất lượng hơn.

Dược vốn được xem là lĩnh vực có nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức và rủi ro. Với chị, khó khăn lớn nhất trong việc kinh doanh dược phẩm đông y là gì?

Mỗi năm, có hàng trăm ngàn người tự đứng ra khởi nghiệp kinh doanh. Có người thành công và cũng không ít người thất bại. Kinh doanh dược phẩm đông y cũng như nhiều lĩnh vực khác đòi hỏi sự nỗ lực, ý chí, bản lĩnh và kiến thức cần thiết. Khi đưa ra quyết định bước chân vào chốn “thương trường”, lại trong lĩnh vực dược phẩm với sự cạnh tranh rất cao, tôi chấp nhận đối mặt với mọi khó khăn, thử thách. Mọi công việc từ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảng giá, chiến lược kinh doanh để đưa  sản phẩm tới tay người tiêu dùng đều không hề đơn giản, dễ dàng.

Khao khát chinh phục thuốc Đông y - Ảnh 1

Chị Vũ Thị Hương, Giams Đốc Công ty TNHH DAMIKA 

Tuy nhiên, tôi luôn quan niệm “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Con đường khởi nghiệp gập ghềnh và đầy chông gai nên chỉ có những tinh thần “dám nghĩ dám làm”, không quản ngại gian khó mới mong tìm đến đích thành công.

Chị có thể chia sẻ chiến lược cụ thể để các sản phẩm đông y mà công ty phân phối có thể đủ sức bám trụ, tồn tại trước sức ép cạnh tranh trong nước và quốc tế?

Công ty của tôi chỉ kinh doanh các loại thực phẩm chức năng thuần Việt với các công thức cũng như nguồn nguyên liệu đều có xuất xứ Việt. Trong lĩnh vực dược hiện tại có rất nhiều đối thủ cạnh tranh với các sản phẩm tương tự. Để không bị yếu thế trên thị trường và thương hiệu có được chỗ đứng thì cách duy nhất là phải tạo nên những sản phẩm tốt xuất phát từ chất lượng, tạo ra hiệu quả thực sự cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tôi cũng chú trọng vào việc chăm sóc khách hàng và quan trọng là phải có được chiến lược truyền thông, tiếp thị hợp lý.

Khao khát chinh phục thuốc Đông y - Ảnh 2

 

Người Việt thường có tâm lý “sính ngoại”, cho rằng chất lượng thuốc nội không thể bằng thuốc ngoại. Theo chị, các doanh nghiệp dược cần làm gì để thay đổi nhận thức của người dân cũng như tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại?

Nhiều người cho rằng, thuốc càng đắt tiền thì càng hiệu quả cao, đó là quan niệm không đúng. Thuốc ngoại đắt do chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm ở nước ngoài rất lớn. Thêm vào đó là chi phí vận chuyển, nhập khẩu nên khi đến tay người tiêu dùng, thuốc đắt là điều đương nhiên. Trong khi đó, thuốc nội cũng có chất lượng không hề thua kém, giá rẻ hơn thì lại không được nhiều người chọn dùng.

Muốn người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam thì các doanh nghiệp dược phải cung cấp những sản phẩm tốt nhất, đồng thời chứng minh được hiệu quả để người tiêu dùng yên tâm thông qua việc thử nghiệm và các hình thức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất vẫn phải là an toàn, hiệu quả, sau đó mới đến giá cả.

Chị nhận định thế nào về cơ chế quản lý cũng như hệ thống luật pháp trong lĩnh vực dược ở Việt Nam hiện nay? Trong vai trò một đơn vị kinh doanh dược phẩm, chị mong muốn được cải thiện điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp này ra sao?

Theo tôi, hệ thống luật pháp cho lĩnh vực dược ở Việt Nam hiện nay đã quy định các chính sách tạo cơ chế và động lực cho công nghiệp dược phát triển. Tuy nhiên, các chính sách này cần được quy định cụ thể hơn như: Bảo đảm đầu ra cho thuốc sản xuất trong nước; Phát triển thuốc từ dược liệu; Nghiên cứu, sản xuất các loại dược chất, tá dược từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam…

Về cơ chế quản lý, các cơ quan quản lý cần xem xét, điều chỉnh lại phương thức quản lý các loại thuốc ngoại, hạn chế nhập khẩu những loại thuốc mà Việt Nam đã sản xuất được. Trường hợp nhập khẩu thì phải chứng minh được loại thuốc ngoại đó hơn hẳn về chất lượng và giá rẻ hơn. Quy trình nhập thuốc ngoại vào Việt Nam cũng cần chặt chẽ hơn, phải bình đẳng như khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thuốc sang các nước khác. Bên cạnh đó, mặt hàng thuốc sản xuất trong nước cũng cần phải được ưu tiên sử dụng trong hệ thống công lập, nghĩa là cần tạo cơ chế chính sách để đưa thuốc nội vào sử dụng rộng rãi hơn trong hệ thống các bệnh viện.

Và để vận động người dân dùng thuốc Việt, Nhà nước cũng cần ban hành các quy chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở điều trị đầu tư nâng cao chất lượng. Tăng cường thông tin tuyên truyền như cho phép tăng chi phí quảng cáo, tiếp thị của doanh nghiệp dược trong nước chứ không khống chế ở mức 10% doanh thu như hiện nay.

Tin Cùng Chuyên Mục