Không nhãn tiếng Việt, Lalala 1Euro đang đánh đố người tiêu dùng

Nhóm PV

Thời gian vừa qua, báo Doanhnhan.vn liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về việc, nhiều mặt hàng, sản phẩm tại chuỗi cửa hàng LaLaLa 1 EURO (ở Hà Nội) không dán nhãn tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều này không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật mà còn gây khó khăn cho người tiêu dùng.

“Thả nổi” hàng trăm mặt hàng

Đăng nhập vào địa chỉ website http://1euro.vn/, người tiêu dùng đọc được lời giới thiệu như sau: “LaLaLa 1 EURO là hệ thống chuỗi cửa hàng chuyên doanh của Công ty TNHH LaLaLa 1 EURO. LaLaLa 1 EURO chuyên bán buôn, bán lẻ các mặt hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng... nhập khẩu trực tiếp từ các nước Châu Âu với tiêu chuẩn Châu Âu...”. Cũng theo thông tin trên website, có 5 cửa hàng ở các quận nội thành của Hà Nội.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh, PV đã có buổi khảo sát và ghi nhận thực tế tại nhiều cơ sở phân phối hàng hóa của chuỗi cửa hàng này. Tại những cửa hàng trên, hầu hết những mặt hàng được bày bánchỉ có nhãn mác tiếng nước ngoài và không có nhãn phụ, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Cụ thể, tại cơ sở số 115 Đào Tấn (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), hàng trăm mặt hàng được công khai bày bán cho khách hàng mà không hề có nhãn phụ, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt khiến nhiều khách hàng hoang mang, lo ngại về chất lượng và cách sử dụng sản phẩm.

Không nhãn tiếng Việt, Lalala 1Euro đang đánh đố người tiêu dùng - Ảnh 1

Nhiều sản phẩm tại cửa hàng 1EURO (số 115 Đào Tấn, phường Ngọc Khánh) không có nhãn tiếng Việt.

Tại cơ sở số 163 Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) hiện cũng đang bày bán rất đa dạng nhiều mặt hàng như: mỹ phẩm, đồ uống, đồ ăn, mỹ phẩm… Tuy nhiên, ngoại trừ số ít mặt hàng được dán nhãn phụ như: rượu vang, vài loại bánh ngọt còn lại sản phẩm tại đây đều không hề được dán nhãn phụ, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Đáng lo ngại, nhiều mặt hàng mang tính đặc thù, “kén” khách hàng như: mỹ phẩm, dầu gội đầu hay thực phẩm, đồ uống... cũng không hề có dán hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng 1Euro đang “đánh đố” người tiêu dùng?

Nhân viên bán hàng sẽ hướng dẫn?!

Tại cửa hàng trên đường Yên Phụ, PV nhập vai khách hàng hỏi mua Dầu gội đầu hiệu Dove 500ml, cầm trên tay sản phẩm không hề có thông tin tiếng Việt thắc mắc với nhân viên bán hàng “Liệu tôi có dùng được loại dầu gội này và loại dầu gội này xuất xứ từ đâu?” thì nhân viên bán hàng không ngần ngại chia sẻ: “Chỉ cần anh mua sản phẩm còn chúng em sẽ hướng dẫn sử dụng và tư vấn cho anh dùng sao cho hợp lý, hiệu quả nhất (?!)”.

Không chỉ có PV, nhiều người tiêu dùng khác khi mua sản phẩm tại các chuỗi cửa hàng của Lalala 1EURO đều có những băn khoăn về cách sử dụng, xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm.

Không nhãn tiếng Việt, Lalala 1Euro đang đánh đố người tiêu dùng - Ảnh 2

Những mặt hàng này không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng? 

Chị Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên mua sản phẩm của 1Euro tại cửa hàng 115 Đào Tấn, phường Ngọc Khánh cho biết: “Tôi ghé vào đây mua sản phẩm sữa rữa mặt và nước tẩy trắng nhưng những thông tin cần thiết về sản phẩm như xuất xứ, thành phần, hướng dẫn sử dụng đều mập mờ, không có tiếng Việt nên tôi thấy không yên tâm. Thấy trên bao bì sản phẩm chỉ ghi thông tin bằng tiếng nước ngoài nên tôi không thể biết liệu đây có phải hàng chính hãng hay hàng nhái, hàng giả ngoài thị trường? Hơn nữa, vì không rành ngoại ngữ nên tôi không biết bên trong những mặt hàng tôi định mua có chất cấm hay không? Có phù hợp với cơ địa của tôi không? Tôi cảm thấy 1Euro đang cố tình làm khó người tiêu dùng chúng tôi”.

Ngoài ra, hầu hết những sản phẩm được bày bán trong chuỗi cửa hàng phân phối của 1Euro cũng không hề được dán tên và địa chỉ của tổ chức, công ty nhập khẩu chịu trách nhiệm về hàng hóa khiến khách hàng không biết kêu ai nếu những sản phẩm của 1Euro gây ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.

“Phớt lờ” các quy định

Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa có quy định: "Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Cụ thể, nhãn phụ là một loại tem nhãn được dán chắc chắn trên hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm. Trong đó, thể hiện các thông tin cần thiết về hàng hóa bằng tiếng Việt Nam đính kèm theo nhãn nguyên gốc bằng tiếng nước ngoài trước khi đưa ra bán hoặc lưu thông trên thị trường. Nhãn phụ có chức năng giúp cơ quan hải quan, công an và người tiêu dùng kiểm soát, phân biệt được với hàng hóa nhập lậu.

Theo quy định: "Nhãn phụ" là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hoá còn thiếu.

Trên nhãn phụ phải chứa đựng đầy đủ các thông tin sau đây: Hướng dẫn sử dụng; Thành phần công thức đầy đủ, Tên nước sản xuất; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích; Số lô sản xuất; Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng; Lưu ý về an toàn khi sử dụng (nếu có)…”

Với việc không thực hiện dán nhãn phụ và thông tin công ty, tổ chức chịu trách nhiệm với sản phẩm nên bao bì thì Lalala 1 EURO rõ ràng đã vi phạm các quy định của pháp luật.

Không chỉ vậy, điều này còn gây ra rất nhiều khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu những thông tin cơ bản của sản phẩm bằng tiếng Việt như: Hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, thành phần, thậm chí là phân biệt hàng thật hay hàng nhái, hàng lậu. Ngoài ra, việc không dán tên công ty, tổ chức nhập khẩu lên bao bì sản phẩm đã khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng khi lựa chọn sử dụng sản phẩm của 1Euro.

Đứng trước thực trạng trên, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi, phải chăng vì lợi nhuận trước mắt mà Công ty TNHH Lalala 1Euro đang bỏ qua quyền lợi của khách hàng, “phớt lờ” các quy định của Pháp luật, “phủi” trách nhiệm với sức khỏe của người tiêu dùng? Sản phẩm của công ty liệu có đầy đủ hóa đơn nhập khẩu hay chỉ là sản phẩm trôi nổi, trốn thuế, không rõ xuất xứ?

Điều đáng nói, tại các cửa hàng nói trên, PV cũng đã khảo sát thực tế từ tháng 1/2017. Tuy nhiên, cho đến nay (tháng 5/2017), tình trạng không tuân thủ về nhãn hàng hóa vẫn ngang nhiên diễn ra. Điều này cho thấy, đây là 1 sai phạm kéo dài, cố tình, “phớt lờ” các quy định của nhà nước.

Bên cạnh đó, vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý hàng hóa, quản lý thị trường Hà Nội (trực tiếp là Đội Quản lý thị trường số 11 và Đội Quản lý thị trường số 3) ở đâu?

Báo Doanhnhan.vn sẽ liên hệ các cơ quan chức năng và tiếp tục phản ánh.

Tin Cùng Chuyên Mục