Kinh doanh khả quan, lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2022 của VPBank (VPB) tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ

Trung Vũ

Ngân hàng mẹ đạt được các kết quả ấn tượng, lợi nhuận riêng lẻ trước thuế đạt tới 24.005 tỷ đồng, kéo lợi nhuận hợp nhất lên 21.220 tỷ, tăng tới 47,7%.

Năm khó khăn của các công ty con

Năm 2022 là một năm sóng gió với thị trường chứng khoán do những bất lợi từ tình hình quốc tế và đặc biệt là sự kiện tiêu cực liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu tại Việt Nam. Chỉ số VN-Index giảm 34%, từ mức đỉnh 1.525,58 điểm ghi nhận trong phiên đầu năm xuống còn 1.007,09 điểm vào cuối năm. Không nằm ngoài xu thế đó, mặc dù được bơm vốn điều lệ khủng lên tới 15 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của VPBank Securities vẫn khá khiêm tốn, đạt 542 tỷ trước thuế trong năm 2022. Tuy nhiên, đối với VPBank, mảng chứng khoán vẫn còn tốt hơn nhiều so với tài chính tiêu dùng.

FE CREDIT vẫn luôn được coi là “gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng khi có những giai đoạn lợi nhuận đóng góp tới 30-40% vào tổng lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng tín dụng quá nóng của công ty cùng làn sóng Covid-19 và nguy cơ suy thoái ập tới làm ảnh hưởng sâu sắc tới nhóm lao động có thu nhập thấp - đối tượng cho vay chủ yếu của FE CREDIT. 

Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính năm 2022, sau khi trừ lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất, có thể thấy kết quả kinh doanh mảng tài chính chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Ngân hàng mẹ đạt được các kết quả ấn tượng

Từ báo cáo tài chính hợp nhất, có thể thấy sự dịch chuyển khá mạnh mẽ trong cơ cấu tài sản - nguồn vốn của ngân hàng. Cụ thể, ngân hàng tăng thâm dụng vốn từ thị trường 2 (số dư net đi vay, nhận gửi liên ngân hàng cuối năm 2021 là 57,5 nghìn tỷ đồng đã tăng lên thành 92,3 nghìn tỷ đồng tại cuối năm 2022).

Nguồn vốn giá rẻ này được sử dụng để cho vay khách hàng và đầu tư trái phiếu, trong đó chủ yếu là trái phiếu tổ chức kinh tế có lợi suất cao khiến thu nhập lãi thuần đạt 41,0 nghìn tỷ, tăng 19,4%. Hoạt động dịch vụ cũng đạt kết quả khả quan khi đạt 6,4 nghìn tỷ, tăng gần 60% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động khác tăng đột biến 7,8 nghìn tỷ so với 2021, lên tới 10,6 nghìn tỷ đồng.

Các mảng kinh doanh cốt lõi tích cực tuy nhiên hoạt động khác như kinh doanh ngoại hối lỗ tới 618 tỷ và thu nhập mua bán chứng khoán giảm mạnh gần 2,8 nghìn tỷ so với năm ngoái. Điều này phù hợp với tình hình thực tế khi lợi suất thị trường năm qua tăng vọt khiến lợi nhuận thu nhập mua bán chứng khoán của hầu hết các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ sụt giảm. Mức ảnh hưởng này trong năm 2023 có thể sẽ nhẹ bớt do lãi suất có nhiều dấu hiệu hạ nhiệt, thu nhập mua bán chứng khoán cũng như NIM của ngân hàng được cải thiện.

Mặc dù vậy, VPBank cần lưu ý kiểm soát rủi ro khi tỷ lệ nợ xấu gia tăng đáng kể từ 4,5% đầu năm lên 5,7% thời điểm cuối năm, nếu tính cả nợ nhóm 2, tỷ lệ nợ có vấn đề/tổng dư nợ lên tới 11,1%. Ngoài ra, ảnh hưởng từ thị trường trái phiếu bất động sản có thể ảnh hưởng đáng kể đến những ngân hàng có tỷ lệ nắm giữ cao như VPBank.

Tin Cùng Chuyên Mục