Kỳ lân VNG sẽ niêm yết sàn UPCoM ngày 5/1/2023, định giá thấp hơn nhiều so với mức giá trước kia

Lam Lê

Thay vì niêm yết sàn Nasdaq như đồn thổi, CTCP VNG đã quyết định niêm yết sàn UPCoM ngày 5/1/2023 với định giá 364,2 triệu USD, thấp hơn thời điểm năm 2019 là 2,2 tỷ USD.

Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP VNG đăng ký giao dịch 35,8 triệu cổ phiếu VNZ trên sàn Upcom từ ngày 5/1/2023, trong đó 28,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành và 7,1 triệu cổ phiếu quỹ.

Kỳ lân VNG sẽ niêm yết sàn UPCoM ngày 5/1/2023, định giá thấp hơn nhiều so với mức giá trước kia  - Ảnh 1

Mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VNZ là 240.000 đồng/cp. Nếu tính theo mức giá này, VNG có vốn hóa 8.592 tỷ đồng (tương đương chưa đến 350 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức định giá tỷ đô trước đây của VNG).

Công ty được thành lập vào năm 2004 với tên gọi ban đầu là CTCP Trò chơi Vi Na (Vinagame) với vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng. Qua 18 năm, Công ty có 16 lần tăng vốn chủ yếu thông qua việc chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phần riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư nước ngoài, tăng vốn theo chương trình phát hành thêm cổ phiếu cho người lao động. Có thời điểm Vinagame chào bán 294.309 cp cho 1 cổ đông chiến lược của Công ty có mức giá lên đến 666.345 đồng cp (vào tháng 03/2015).

Vinagame hiện có 12 Công ty con trực tiếp, 14 Công ty con gián tiếp. Cơ cấu vốn cổ phần đã phát hành cho thấy Công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài chiếm 49%, cổ đông trong nước 31,17% và cổ phiếu quỹ 19,93%. Nếu tính theo số cổ phiếu đang lưu hành thì tỷ lệ của nước ngoài lên tới 61,12% và chỉ do 1 tổ chức duy nhất nắm giữ.

Theo bản công bố thông tin, tại ngày 28/11/2022, VNG có 3 cổ đông lớn là VNG Limited (trụ sở tại Cayman Islands) nắm 49% vốn điều lệ (61,1% số cổ phiếu đang lưu hành); CTCP Công nghệ BigV nắm 4,6% vốn điều lệ (5,7% số cổ phiếu đang lưu hành) và ông Lê Hồng Minh nắm 9,8% vốn điều lệ (12,3% số cổ phiếu đang lưu hành).

Kỳ lân VNG sẽ niêm yết sàn UPCoM ngày 5/1/2023, định giá thấp hơn nhiều so với mức giá trước kia  - Ảnh 2

Được biết, Công ty Công nghệ BigV có vốn điều lệ 101 tỷ đồng, được thành lập tháng 8/2021 hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính. 

Tuy phía VNG khẳng định BigV không phải công ty con của VNG và cũng không cùng thuộc một công ty mẹ với VNG nhưng có một điểm trùng hợp là người đại diện trước pháp luật của BigV - ông Ngô Vi Hải Long cũng từng là người đại diện của VNG là bị đơn trong một cuộc tranh kiện chấp hợp đồng dịch vụ tại TP. HCM vào hồi tháng 6/2020.

Công ty cho biết tính đến 30/11/2022, các công ty con của Công ty không còn sở hữu cổ phiếu của Vinagame nên Công ty đã tuân thủ các quy định về sở hữu chéo của Luật doanh nghiệp 2020.

Hoạt động kinh doanh chính của Vinagame gồm trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán và tài chính, dịch vụ đám mây. Vinagame có hoạt động kinh doanh tại thị trường trong nước và nước ngoài như Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Phillipines, Myanmar, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia.

Kỳ lân VNG sẽ niêm yết sàn UPCoM ngày 5/1/2023, định giá thấp hơn nhiều so với mức giá trước kia  - Ảnh 3

Mới đây, VNG đã thông qua việc miễn nhiệm 3 thành viên Hội đồng quản trị là ông Bryan Fredric Pelz, bà Byun Jung Won và ông Vũ Việt Sơn; đồng thời bầu thành viên Hội đồng quản trị thay thế cho nhiệm kỳ 2022 - 2025.

Danh sách 4 ứng cử viên VNG dự kiến bầu bổ sung gồm: bà Christina Gaw, ông Edphawin Jetjirawat, ông Võ Sỹ Nhân và ông Nguyễn Lê Quốc Anh.

Kỳ lân VNG sẽ niêm yết sàn UPCoM ngày 5/1/2023, định giá thấp hơn nhiều so với mức giá trước kia  - Ảnh 4

Qua tìm hiểu, 4 gương mặt mới của ban lãnh đạo VNG đều từng có kinh nghiệm điều hành nhiều doanh nghiệp lớn.

Bà Christina Gaw từng được Forbes vinh danh vào Top 25 nữ doanh nhân mới nổi của châu Á vào năm 2008. Hiện nay, ngoài giữ vai trò Giám đốc điều hành chính của quỹ Gaw Capital Partners từ năm 2008, Giám đốc điều hành của Pioneer Global Group từ năm 2014, bà còn đảm nhiệm chức vụ Giám đốc không điều hành độc lập của CLP Holdings - một công ty niêm yết tại Hong Kong.

Ông Edphawin Jetjirawat là đồng sáng lập và đối tác công ty TNHH Koon Tree Holdings. Ông từng đảm nhiệm chức vụ CEO khu vực Đông Nam Á của Temasek International Private Limited - quỹ đầu tư hàng đầu Singapore từng rót vốn vào VNG, Vinhomes... Ngoài ra, ông từng giữ chức vụ Phó chủ tịch Lombard Investments Asia và cộng sự Merrill Lynch Phatra. Ông có bằng Cử nhân Quản trị Kinh doanh của Đại học Thammasat và bằng MBA của Trường Kinh doanh Harvard.

Trong khi đó, ông Võ Sỹ Nhân hiện đang là Giám đốc điều hành Empire City, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành quỹ GAW NP Capital - liên doanh liên doanh giữa Gaw Capital Partners và NP Capital Partners, đồng thời là Phó Chủ tịch Công ty Tiến Phước.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh (1966) là gương mặt quen thuộc khi từng nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt tại Ngân hàng TMCP Techcombank. Ông từng làm Giám đốc Khối Chiến lược và Phát triển Ngân hàng, sau đó là Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành và chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Techcombank từ 2016 - 2020. 

Trước khi đầu quân cho Techcombank, ông từng giữ các vị trí cấp cao tại T-Mobile US, Wells Fargo Bank, Fortress Investment Group, McKinsey.

Trước khi có thay đổi về thành viên Hội đồng quản trị, VNG đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/11/2022 để thực hiện đăng ký lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Động thái này nhằm phục vụ việc đăng ký giao dịch cổ phiếu của VNG trên sàn UPCOM. 

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, VNG ghi nhận doanh thu thuần  giảm 3,7% so với cùng kỳ, đạt 2.100 tỷ đồng.

Chi phí tài chính giảm mạnh song chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng tới 13 - 29% cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, VNG còn phải chịu khoản lỗ 27,6 tỷ đồng từ công ty liên kết và lỗ khác 26,1 tỷ đồng, kết quả VNG báo lỗ sau thuế 254,5 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của VNG.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 5.763 tỷ đồng, VNG lỗ sau thuế 764 tỷ đồng. VNG đặt mục tiêu năm 2022 đạt doanh thu 10.178 tỷ đồng và lỗ sau thuế 993 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng 2022, "kỳ lân" này hoàn thành được một nửa kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế tiệm cận kế hoạch dự kiến.

Nguyên nhân lỗ đến từ khoản đầu tư vào CTCP Zion (đơn vị sở hữu ví điện tử ZaloPay) và CTCP Tiki.

Trên báo cáo tài chính riêng lẻ, tại ngày 30/9/2022, VNG ghi nhận khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết là 4.442,2 tỷ đồng, tăng 73,9% so với đầu năm.

Trong đó, khoản đầu tư vào CTCP Zion chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị đầu tư 2.561,5 tỷ đồng và số dư trích lập dự phòng là 2.269,3 tỷ đồng

Tin Cùng Chuyên Mục