Liên tục thay ghế tổng giám đốc, ABBank (ABB) hoạt động kém hiệu quả, lỗ trước thuế quý IV/2022 hơn 45 tỷ đồng

Quỳnh Chi

Tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2022 lên đến gần 2.366 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tương ứng tăng từ 2,34% đầu năm lên 2,88%. Nợ có khả năng mất vốn tăng 63% so với đầu năm lên hơn 1.400 tỷ đồng.

Hoạt động kém hiệu quả

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – mã CK: ABB) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với thu nhập lãi thuần tăng 9% so với cùng kỳ, đạt hơn 951 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 188,9 tỷ đồng.

Liên tục thay ghế tổng giám đốc, ABBank (ABB) hoạt động kém hiệu quả, lỗ trước thuế quý IV/2022 hơn 45 tỷ đồng - Ảnh 1

Mặt khác, ABBank lại lỗ nặng 446,5 tỷ đồng trong quý 4 với hoạt động kinh doanh ngoại hối trong khi con số này cùng kỳ chỉ ở mức âm 51,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, mua bán chứng khoán đầu tư và khác đều giảm.

Trong kỳ, chi phí hoạt động giảm 20% xuống còn hơn 573 tỷ đồng; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm 11% so với cùng kỳ, xuống mức 249 tỷ đồng. Kết quả, ABBank lỗ trước thuế 45,4 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, nguồn thu chính của ngân hàng là lãi thuần tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 3.735 tỷ đồng. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi lại sụt giảm với lãi từ dịch vụ giảm 34%, còn 232 tỷ đồng và lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 53%, còn 193 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động khác thu về khoản lãi hơn 415 tỷ đồng, tăng 62% so với năm trước.

Chi phí phí hoạt động năm 2022 chỉ tăng 8%, lên gần 2.043 tỷ đồng. Trong kỳ, ABBank trích ra gần 777 tỷ đồng dự phòng rủi ro. Sau khi trừ chi phí, ABBank lãi trước thuế 1.702 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước và thực hiện 55% kế hoạch cả năm.

Theo giải trình, nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm do ảnh hưởng lạm phát và nhiều khoản chi phí phát sinh tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, năm qua hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn do mặt bằng lãi suất tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động gây ảnh hưởng bất lợi, đến cuối năm ABBank thực hiện kết chuyển số dư tài khoản kinh doanh ngoại tệ bảo đảm tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như điều chỉnh danh mục đầu tư đã tác động đến lợi nhuận cả năm. Do đó, ABBank chưa đạt kỳ vọng so với kế hoạch ĐHĐCĐ đã thông qua.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của ABBank tăng 8% so với đầu năm, lên mức 130.161 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 19% lên 82.010 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng đến 24% so với đầu năm, lên 84.124 tỷ đồng.

Chất lượng nợ xấu của ngân hàng lại đi xuống. Tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2022 lên đến gần 2.366 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tương ứng tăng từ 2,34% đầu năm lên 2,88%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn của ABBank đã tăng 63% so với đầu năm lên hơn 1.400 tỷ đồng.

Liên tục thay đổi tổng giám đốc: 4 năm thay 5 người

Có thể nói, ABBank là một trong những ngân hàng có biến động lớn nhất về ghế  người điều hành. Chỉ trong 4 năm trở lại đây, ghế Tổng giám đốc của ABBank đã thay đổi tới 5 lần. Hiện tại, sau khi chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Lê Hải, ngân hàng này đã bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Quân đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn Tổng giám đốc.

Ông Nguyễn Mạnh Quân - tạm quyền Tổng giám đốc ABBank. Ảnh: ABB
Ông Nguyễn Mạnh Quân - tạm quyền Tổng giám đốc ABBank. Ảnh: ABB

ABBank mới đây vừa chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc theo nguyện vọng của ông Lê Hải kể từ ngày 3/3/2022.

Đồng thời, ABBank cũng bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Quân đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc.

Ông Nguyễn Mạnh Quân sinh năm 1973, trình độ thạc sỹ Quản trị Kinh doanh - Học viện Công nghệ Châu Á (Asian Institute of Technology-AIT); cử nhân ngoại ngữ tiếng Anh (Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội); cử nhân kế toán tài chính (Đại học Thương mại Hà Nội).

Theo giới thiệu từ ABBank, ông Quân có hơn 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, từng giữ các vị trí quản lý chủ chốt như Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc, Thành viên Ban kiểm soát… tại VID Public Bank, Citibank, HSBC, SeABank, HDBank.

Từ tháng 6/2015, ông Quân đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc ABBank, tham gia quản lý chuyên sâu, phụ trách nhiều lĩnh vực nghiệp vụ khác nhau như Thẩm định và phê duyệt tín dụng, Pháp chế tuân thủ, Quản lý rủi ro, Xử lý nợ.

Cụ thể, vào tháng 1/2018, ABBank đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc của ông Cù Anh Tuấn sau gần 2 năm đảm nhiệm vì lý do cá nhân. Ngay sau đó, nhà băng này đã giao ông Nguyễn Mạnh Quân nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc.

Tháng 5/2018, ABBank có Tổng giám đốc mới là bà Dương Thị Mai Hoa, cựu CEO Tập đoàn Vingroup. Rồi đến tháng 10/2018, ABBank lại có tân CEO mới là ông Phạm Duy Hiếu.

Tháng 4/2020, vị trí CEO tại ABBank được chuyển sang ông Lê Hải. Và như đã biết, sau chưa đầy 2 năm, ông Lê Hải đã có đơn từ nhiệm vị trí này.

Tin Cùng Chuyên Mục