Nền kinh tế của các thành phố lớn nhất thế giới sẽ biến đổi ra sao hậu Covid-19?

Minh Khang

Là trung tâm với sức mạnh kinh tế thu hút nguồn lao động dồi dào, các thành phố lớn là nơi gánh chịu tổn thất nặng nề nhất do đại dịch Covid-19. Trên đà triển khai vắc xin, nhiều thành phố lớn trên thế giới đang dần trở về quỹ đạo vận hành như trước. Đại dịch không thể phá hủy các thành phố lớn nhưng chắc chắn sẽ làm chúng thay đổi.

Trước đại dịch, sự phát triển của các thành phố lớn nhất trên thế giới dường như bất khả chiến bại khi nguồn lực kinh tế và văn hóa ngày càng đổ dồn vào khoảng không giới hạn.

Năm 2000, tổng tiền lương chi trả mỗi ngày cho toàn bộ lao động ở nội thành London cao gấp đôi so với ở các thành phố khác ở Anh. Đến năm 2019, mức chênh lệnh đó là gấp ba. Tương tự, từ năm 2000-2019, tỷ lệ tăng trưởng việc làm ở các quận nội thành của Sydney cao hơn 40% so với các nơi khác trong thành phố nước Úc này.

Tuy nhiên, chỉ gần hai năm sau đại dịch, vị thế các thành phố sôi động có phần thay đổi. Việc người dân di cư khỏi các khu vực đô thị do tác động việc làm hay nỗi lo sợ lây nhiễm có vẻ đã kéo dài lâu hơn. 

Các công cụ “bắt mạch” sức khỏe thành phố

Một cách để “bắt mạch” các thành phố lớn là sử dụng chỉ số di chuyển theo thời gian thực. Tờ The Economist xây dựng một công cụ gọi là "chỉ số hoạt động kinh tế" bằng cách sử dụng dữ liệu của Google về số lượt đi đến các địa điểm bán lẻ và giải trí, phương tiện giao thông công cộng và công sở, đồng thời so sánh mức độ này giữa các thành phố lớn với phần còn lại của quốc gia tương ứng. Kết quả: ở Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản, mức độ hoạt động ở các thành phố lớn vẫn thấp hơn đáng kể so với các nơi khác trên toàn quốc.

Mức độ hoạt động kinh tế giữa các thành phố lớn với phần còn lại của quốc gia tương ứng. Nguồn: The Economist
Mức độ hoạt động kinh tế giữa các thành phố lớn với phần còn lại của quốc gia tương ứng. Nguồn: The Economist

Theo OpenTable, một nền tảng đặt chỗ ở 80 quốc gia, lượng đặt chỗ nhà hàng ở các thành phố lớn thấp so với những nơi khác. Lượng đặt chỗ ở Canada hiện cao hơn 8%, nhưng số liệu ở thành phố Toronto vẫn thấp hơn 9%, so với mức trước đại dịch. Một công cụ khác để đo lường độ sôi động của các thành phố lớn là dữ liệu từ công ty công nghệ Kastle Systems. Báo cáo công ty này chỉ ra, chỉ 1/5 tổng số nhân viên văn phòng của thành phố San Francisco có mặt ở trong tòa nhà. Một số khu vực của thành phố này giống như một thành phố bị bỏ hoang hơn là một trung tâm công nghệ.

Nguồn lực từng dồn vào thành phố tỏa đi đâu?

Vào đầu năm nay, so với lúc trước đại dịch, các khu vực dân cư thưa thớt của Mỹ sôi động hơn rất nhiều so với khu vực đô thị. Nhưng ở hầu hết các nước khác không được như vậy. Các số liệu cho thấy xu hướng phân bổ khác: các hoạt động kinh tế đang dần lan từ trung tâm ra bên ngoài.

Chỉ số do The Economist thiết kế cũng cho thấy rõ xu hướng này. Thành phố Paris kém sôi động hơn nhiều so với 7 tỉnh bang khác thuộc vùng thủ đô. Ở Mỹ, giá thuê nhà ở 300 thành phố đông dân nhất đã giảm 5% kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng không thay đổi ở 300 khu vực đông dân tiếp theo.

“Các cửa hàng ở vùng ngoại ô hoạt động hiệu quả hơn các cửa hàng trong thành phố”, Peter Nordstrom, chủ tịch chuỗi cửa hàng bách hóa Nordstrom cũng ghi chú xu hướng tương tự. Giám đốc điều hành của Starbucks cho biết “việc mua cà phê hiện tại đã chuyển từ các trung tâm tàu ​​điện ngầm đông đúc ra các vùng ngoại ô và từ các quán café ra các khu vực mua mang về (drive-through).

Tác động của việc di cư nguồn nhân lực

Nếu là chủ sở hữu bất động sản thương mại ở trung tâm thành phố, bạn có thể phải đối mặt với thua lỗ. Nhưng các nhà kinh tế thì có hai mối bận tâm dài hạn hơn.

Đầu tiên liên quan đến việc làm. Theo nghiên cứu mới của giáo sư Lukas Althoff thuộc Đại học Princeton và các đồng nghiệp, các văn phòng trống trải hơn và ít khách du lịch hơn ở các thành phố có thể đồng nghĩa với việc ít việc làm hơn cho những người lao động thu nhập thấp như nhân viên pha chế và tài xế taxi.

Nền kinh tế của các thành phố lớn nhất thế giới sẽ biến đổi ra sao hậu Covid-19? - Ảnh 1

Nỗi lo thứ hai là năng suất lao động. Một quan điểm cốt lõi của các nhà kinh tế coi trọng đô thị là các thành phố, bằng cách nhồi nhét nhiều người khác nhau vào một không gian nhỏ, sẽ giúp thúc đẩy các ý tưởng và công nghệ mới. Messrs Glaeser và David Cutler, tác giả của cuốn “Survival of the City” (tạm dịch: Sự sống còn của thành phố) lo lắng rằng một thế giới làm việc từ xa, mà kết quả là những thành phố kém sôi động hơn, có thể là một thế giới mà mọi người khó tạo dựng mối quan hệ cá nhân và tiếp thu kiến ​​thức từ những người khác. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tiêu chuẩn sống.

Số lượng và năng suất lao động vẫn đảm bảo

Hai mối quan tâm như trên có hợp lý không? Theo giáo sư Althoff và các đồng nghiệp, lao động dịch vụ kỹ năng thấp phải chịu thiệt thòi nhiều nhất do suy giảm hoạt động kinh tế, nhưng đồng thời, cũng có người được trả lương cao làm việc tại nhà.

Mặt khác, tính từ đầu năm 2020 đến tháng Một năm nay, lao động có kỹ năng thấp hơn (chiếm 40% tổng số lao động theo đầu người và 60% tổng số lao động theo thời gian làm việc) ở các thành phố đông dân nhất của Mỹ, bị mất việc làm. Tuy nhiên, số việc làm lại nhanh chóng được phân bổ sang những nơi có nhu cầu cao hơn, bù lại số lượng việc làm về tổng thể.

Randy Garutti, Giám đốc điều hành của chuỗi cửa hàng bình dân Shake Shack, cho biết trọng tâm của công ty trong năm tới sẽ "chủ yếu là ở ngoại ô”. Pret A Manger đóng cửa tiệm sandwich ở trung tâm Luân Đôn nhưng lại mở ra cửa hàng khác ở vùng ngoại ô. Việc làm ở các vùng ngoại ô nước Anh tăng 2% so với một năm trước, ngay cả khi lượng việc làm trên toàn quốc đang giảm. Ở Mỹ cũng vậy, nhu cầu lao động đang dịch chuyển khỏi các thành phố lớn nhất. Tình hình chỉ khác biệt ở Úc, quốc gia có đại dịch hầu như đã tạm lui, và trung tâm Sydney vẫn tiếp tục tập trung đông lao động.

Ở mối bận tâm thứ hai – tác động đến năng suất lao động, thì khó xác định hơn. Nếu làm từ xa 100%, thì việc kết nối quan hệ và khám phá những ý tưởng mới sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, chỉ dành 30% thời gian làm việc tại văn phòng - mức trung bình hiện tại ở các thành phố của Mỹ, thì khả năng đạt được đổi mới hiệu quả cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Theo nghiên cứu gần đây của công ty phần mềm Humu, nhân viên văn phòng nếu làm tại nhà có thể toàn tâm hoàn thành những nhiệm vụ cần sự tập trung, giúp họ có thời gian tương tác lẫn nhau khi ở văn phòng. Một hoặc hai ngày làm việc tại nhà mỗi tuần có thể giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn so với khi chỉ làm tại nhà hay chỉ làm tại văn phòng. Trái ngược với các cuộc suy thoái trong quá khứ, tăng trưởng năng suất ở Mỹ đã tăng nhanh trong thời kỳ đại dịch, thay vì chậm lại.

Trạng thái kinh tế mới của các thành phố lớn

Các thành phố vẫn có thể quay trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch: du lịch có thể được phục hồi và các sếp có thể yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng. Nhưng ngay cả khi không thể trở về bình thường, đại dịch cũng không thể chấm dứt khả năng kinh tế của các thành phố thành phố lớn.

Thị trưởng các thành phố đang chuyển trọng tâm thu hút các công ty sang thu hút cư dân bằng cách cải thiện chất lượng cuộc sống. Đại lộ George Street ở Edinburgh và Oxford Circus ở Luân Đôn có thể sẽ sớm được dành cho người đi bộ. Thành phố San Francisco có kế hoạch giúp việc tổ chức ăn uống ngoài trời trở nên dễ dàng hơn trong tương lai lâu dài. Một số thượng nghị sĩ bang California cũng muốn thay đổi chính sách để dễ dàng hơn trong việc chuyển diện tích bất động sản bán lẻ đang trống thành nhà ở, đáp ứng nhu cầu cấp bách về nơi ở đô thị. Đại dịch sẽ không phá hủy các thành phố lớn, nhưng sẽ thay đổi chúng.

Tin Cùng Chuyên Mục