Ngân hàng BIDV rao bán hàng loạt tài sản của nhiều doanh nghiệp có giá trị hàng trăm tỷ đồng

Linh Anh

Nhiều chuyên gia nhận định, việc rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các ngân hàng trong thời gian này gặp không ít khó khăn do nhu cầu mua bất động sản, xe cộ… đều có xu hướng sụt giảm.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hoàng Mai vừa ra thông báo bán căn Biệt thự Hoa Phượng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội để thu hồi nợ.

Biệt thự có diện tích 310 m2, diện tích xây dựng 110 m2, diện tích sàn 436,1 m2. Bất động sản này được chào bán với giá khởi điểm 22 tỷ đồng. Mức giá này đã giảm khá nhiều so với mức 26,6 tỷ đồng được chào bán vào tháng 8/2022. Qua tìm hiểu, đây là tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của Công ty cổ phần sản xuất điện tử Thành Long.

Bên cạnh biệt thự, ngân hàng BIDV cũng rao bán nhiều xe sang để thu hồi nợ. Cụ thể, BIDV chi nhánh Nam Gia Lai cho biết sẽ đấu giá 2 xe ô tô theo thủ tục rút gọn.

Trong đó, chiếc Audi A8L được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe năm 2012 được rao bán với giá khởi điểm 940 triệu đồng. Chiếc Land Rover Range được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe năm 2015 có giá khởi điểm 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng BIDV cho biết sẽ tiến hành đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty cổ phần Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên. Tổng dư nợ tạm tính đến hết ngày 11/5/2023 là 120,9 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc gần 86 tỷ đồng, dư nợ lãi trong hạn và lãi phạt quá hạn 33,45 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm mà BIDV đưa ra bằng dư nợ là 120,9 tỷ đồng.

Khoản nợ này được đảm bảo bởi 3 tài sản, gồm quyền sử dụng 4.086 m2 đất tại phường An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM); quyền đòi nợ khối lượng xây lắp hợp đồng thi công xây dựng khách sạn Mỹ Khê Đà Nẵng thuộc hợp đồng với Công ty TNHH Đức Long Dung Quất. Tài sản thứ ba là 400.000 cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Alpha Seven - DL1) thuộc số dư tài khoản của ông Nguyễn Tuấn Vũ.

Khoản nợ trên được đấu giá theo nguyên trạng bao gồm khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn. Người tham gia đấu giá khoản nợ có trách nhiệm xem xét, tìm hiểu các hồ sơ pháp lý khoản nợ và tự xác định tình trạng của khoản nợ, tình trạng tranh chấp về tài sản bảo đảm của khoản nợ, giá trị ghi sổ của khoản nợ và tự chịu trách nhiệm với các rủi ro xảy ra (nếu có) sau khi đấu giá thành công khoản nợ.

Không chỉ ngân hàng BIDV mà nhiều ngân hàng khác như VIB, Sacombank, Agribank... cũng rao bán tài sản đảm bảo nhằm thu hồi nợ. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, việc rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các ngân hàng trong thời gian này gặp không ít khó khăn do nhu cầu mua bất động sản, xe cộ… đều có xu hướng sụt giảm.

Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc về pháp lý khi xử lý nợ xấu chưa được tháo gỡ khiến nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo sau nhiều năm vẫn chưa được xử lý xong. Do đó, các ngân hàng cũng liên tục hạ giá bán tài sản để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu.

Tin Cùng Chuyên Mục