Nợ xấu tăng vọt, BIDV báo lãi quý 3 giảm 12% so với cùng kỳ

Quỳnh Chi

Chất lượng tín dụng của BIDV đã đi xuống rõ rệt khi tổng nợ xấu tại thời điểm 30/09 lên đến 26.393 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cũng theo đó tăng từ 1,16% đầu năm lên 1,6% vào cuối quý 3.

Lợi nhuận đi lùi

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mãCK: BID) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần giảm 2% so với cùng kỳ, xuống mức 13.783 tỷ đồng. Ngược lại, lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hồi đều tăng lần lượt 22% và 110% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 1.764 tỷ và 1.683 tỷ đồng.

Trong quý 3, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh của BIDV tăng đột biến từ 5,8 tỷ cùng kỳ lên hơn 114 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng lại lỗ thuần đến 295 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư trong khi cùng kỳ vẫn lãi 51,5 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác trong quý 3 giảm 30% so với cùng kỳ, xuống mức 741 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV trong quý 3 tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 5.590 tỷ đồng. Kết quả, ngân hàng lãi trước thuế 5.893 tỷ đồng, giảm 12% so với quý 3/2022. Tuy nhiên, nhờ lãi lớn trong nửa đầu năm, lợi nhuận trước thuế luỹ kế 9 tháng của BIDV đạt 19.763 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nợ xấu tăng vọt

Thời điểm 30/9, tổng tài sản của BIDV đã tăng nhẹ 1% so với đầu năm, lên hơn 2,13 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 22% so với đầu năm xuống còn 10.731 tỷ đồng, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 62% xuống còn 42.654 tỷ đồng. Ngược lại, cho vay khách hàng tăng 9% so với đầu năm lên mức 1,65 triệu tỷ đồng…

Tuy nhiên, chất lượng tín dụng của BIDV đã đi xuống rõ rệt khi tổng nợ xấu tại thời điểm 30/09 lên đến 26.393 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cũng theo đó tăng từ 1,16% đầu năm lên 1,6% vào cuối quý 3.

Sự gia tăng đến từ tất cả các nhóm nợ. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 41% lên 4.446 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng đột biến gấp 3,4 lần đầu năm lên mức 9.138 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng gần 9% so với đầu năm lên mức 12.809 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nợ xấu.

Về phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng của BIDV đã tăng 7% so với đầu năm lên hơn 1,58 triệu tỷ đồng. Chiều ngược lại, các khoản nợ Chính phủ và NHNN giảm mạnh đến 91% so với thời điểm đầu năm, xuống còn 13.241 tỷ đồng…

Tăng vốn và phát hành trái phiếu riêng lẻ

Trong bối cảnh kinh doanh thụt lùi, nợ xấu tăng nhanh, BIDV đã liên tục có động thái nâng cao năng lực về vốn gần đây. Mới nhất, ngân hàng đã thông qua nghị quyết HĐQT về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm mục đích tăng vốn cấp 2. Theo đó, BIDV dự kiến sẽ huy động tối đã 5.500 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.

Mệnh giá trái phiếu là 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng. Giá phát hành bằng mệnh giá. Kỳ hạn trái phiếu từ 5 năm trở lên. Số lượng đợt phát hành tối đa 30 đợt. Thời điểm dự kiến phát hành là trong quý 4/2023.

Trước đó, BIDV thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ. Theo phương án, ngân hàng dự kiến phát hành tối đa gần 641,93 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành. Số cổ phiếu lẻ thập phân (nếu có) sẽ bị hủy bỏ.

Thời gian phát hành dự kiến trong quý 4/2023. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021. Sau phát hành, BIDV dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 50.585 tỷ đồng lên hơn 57.005 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục