‘Ông lớn’ SJC có lợi nhuận khiêm tốn dù là doanh nghiệp độc quyền vàng miếng

Đoàn Chi

Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) là doanh nghiệp độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. Tuy nhiên, ông lớn vàng độc quyền này lại có kết quả kinh doanh không ấn tượng với lợi nhuận chỉ ở mức khiêm tốn.

‘Ông lớn’ SJC có lợi nhuận khiêm tốn dù là doanh nghiệp độc quyền vàng miếng

Theo số liệu gần nhất tại Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, SJC đạt doanh thu 27.154 tỷ đồng, tăng 53,5% so với năm 2021. Sau khi trừ đi 26.903 tỷ đồng giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức hơn 250 tỷ đồng, tăng 89% so với năm trước.

Trong năm 2022, các loại chi phí của SJC đều tăng cao. Cụ thể, chi phí tài chính ở mức 40 tỷ đồng, chi phí bán hàng hơn 54 tỷ đồng (tăng 74%) và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 90 tỷ đồng (tăng 34%). Ngược lại, doanh thu tài chính giảm phân nửa chỉ còn hơn 3 tỷ đồng.

Trừ đi thuế phí, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của SJC đạt 48,5 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2021. Điều này đồng nghĩa với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) của SJC là 0,18%. Như vậy, trong năm 2022, cứ 100 đồng doanh thu thuần thì công ty làm ra 0,18 đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

Có thể thấy, SJC kiếm được doanh thu hàng chục nghìn tỷ mỗi năm nhưng bị bào mòn bởi giá vốn và các loại chi phí khiến lợi nhuận thu về chỉ ở mức khiêm tốn. Tính chung giai đoạn từ năm 2015 - 2022, tổng doanh thu SJC là hơn 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên sổ sách công ty chỉ đạt hơn 500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mang về chỉ khoảng 400 tỷ đồng.

Đến hết 31/12/2022, SJC có tổng tài sản ở mức xấp xỉ 1.740 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Đáng nói, hàng tồn kho chiếm tới 1.173 tỷ đồng, tương đương 67% tổng tài sản, chủ yếu là tồn kho hàng hóa trên 1.000 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, nợ phải trả ở mức 195 tỷ đồng, tăng khoảng 40 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu ở mức 1.544 tỷ đồng.

Không quá ngạc nhiên khi SJC kiếm được doanh thu ‘khủng’ mỗi năm, bởi lẽ SJC có ưu thế độc quyền kinh doanh vàng miếng trong 12 năm qua.

Trước đó, kể từ ngày 25/5/2012, khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Nghị định quy định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Điều này có nghĩa, NHNN triển khai tổ chức sản xuất vàng miếng thông qua việc thuê SJC gia công. Thời điểm đó, NHNN khẳng định, việc lựa chọn thương hiệu vàng miếng SJC để sản xuất vàng không tạo ra độc quyền doanh nghiệp vì SJC không còn được trực tiếp sản xuất vàng miếng mà chỉ kinh doanh mua, bán vàng miếng, sản xuất và kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ như các doanh nghiệp được phép khác.

 

Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được thành lập năm 1988 theo Quyết định số 180/QĐ-UB của UBND TP HCM. Năm 1989, SJC cho ra đời sản phẩm vàng miếng đầu tiên mang nhãn hiệu Rồng Vàng SJC 9999, bao gồm loại miếng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng và 2 lượng, đã làm thay đổi việc thanh toán bằng vàng nhẫn, vàng lá cũ tại thị trường trong nước.

Tin Cùng Chuyên Mục