Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) nêu tên 18 công ty chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2023

Linh Anh

Ngoài việc chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2023, các doanh nghiệp như AGM, POM... cũng có kết quả kinh doanh kém tích cực.

Trong danh sách 18 công ty chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2023 mà Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa công bố mới đây, có sự góp mặt của một số cái tên khá quen thuộc.

Những cái tên được nhắc đến trong danh sách này có thể kể đến như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã ck: AGM); Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã ck: DAG); Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã ck: HPX); Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã ck: IBC); Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã ck: LDG); Công ty cổ phần Thép Pomina (mã ck: POM); Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã: ck: SJS); Công ty cổ phần Transimex (mã ck: TMS)…

Danh sách các công ty chậm nộp BCTC kiểm toán bán niên 2023. Nguồn: HOSE
Danh sách các công ty chậm nộp BCTC kiểm toán bán niên 2023. Nguồn: HOSE

Bên cạnh việc chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2023, các doanh nghiệp này cũng có kết quả kinh doanh và nhiều thông tin kém tích cực.

Chủ tịch LDG bị phạt hơn phạt hơn nửa tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch 4 tháng

Cụ thể, ngày 25/8 qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt 520,26 triệu đồng và đình chỉnh hoạt động giao dịch chứng khoán trong 4 tháng đối với ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư LDG do có hành vi bán ra 2,6 triệu cổ phiếu LDG vào ngày 15/8 nhưng không báo cáo dự kiến giao dịch.

Việc ông Nguyễn Khánh Hưng bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu LDG để giảm sở hữu từ 3,92% xuống còn 2,91% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện thông qua khớp lệnh trên sàn. 

Lý giải về việc giao dịch trên, ông Nguyễn Khánh Hưng cho biết, từ ngày 8/8 đến ngày 15/8/2023, ông có một số chuyến công tác xa nên đã thực hiện “thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ” và giao cho thư ký thực hiện công bố thông tin theo quy định.

Tuy nhiên, do nhân sự mới chưa nắm quy định nên dẫn đến sai sót, chậm trễ trong quá trình công bố thông tin. Ngày 15/8 khi quay lại sau chuyến công tác, phát hiện các sai sót, ông Hưng đã yêu cầu xử lý bổ sung để đảm bảo đúng quy định và dừng mọi giao dịch sau đó.

Kết quả kinh doanh của Thép Pomina lao dốc nửa đầu năm 2023

Trong quý II/2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu thuần đạt 799,3 tỷ đồng, giảm 78,9% so với cùng kỳ.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) nêu tên 18 công ty chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 - Ảnh 1

Trong kỳ, giá vốn hàng bán ghi nhận tại 834,5 tỷ đồng. Với việc công ty phải kinh doanh dưới giá vốn, POM ghi nhận lỗ gộp 35,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 150,7 tỷ đồng. Doanh thu tài chính chỉ đạt 8,87 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng cao lên mức 230,2 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong đó là chi phí lãi vay với 227,2 tỷ đồng. Kết quả, Pomina lỗ sau thuế 349,8 tỷ đồng trong quý II/2023, đánh dấu 5 quý lỗ liên tiếp.

Lũy kế nửa đầu năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 2.444,4 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế 537 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 8,1 tỷ đồng.

Năm 2023, Thép Pomina đặt kế hoạch kinh doanh 9.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến lỗ 150 tỷ đồng. Kết thúc nửa đầu năm 2023, với việc ghi nhận lỗ 537 tỷ đồng, công ty cách rất xa kế hoạch lỗ 150 tỷ đồng.

Tính đến hết quý II/2023, tổng tài sản của POM ghi nhận tại 10.817 tỷ đồng, trong đó, có tới 3.484 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, tập trung chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn ở 1.793 tỷ đồng và hàng tồn kho 995,5 tỷ đồng. 

Về cơ cấu nợ, tổng lượng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của POM tính đến ngày 30/6/2023 là 6.266,5 tỷ đồng, cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu (2.077 tỷ đồng).

Với việc tiếp tục ghi nhận lỗ trong nửa đầu năm 2023, tính tới 30/6/2023, tổng lỗ lũy kế lên tới 789,26 tỷ đồng, bằng 28,2% vốn điều lệ. 

Angimex xoá bỏ toàn bộ lãi luỹ kế tích luỹ nhiều năm

Nửa đầu năm 2023, Angimex (mã ck: AGM) ghi nhận lỗ thêm 53,72 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 6,22 tỷ đồng, luỹ kế tới 30/6/2023 ghi nhận lỗ 44,02 tỷ đồng trong khi đầu năm lãi luỹ kế 22,9 tỷ đồng, bằng 24,2% vốn điều lệ.

Như vậy, tại thời điểm cuối quý II/2023, Angimex đã xoá bỏ toàn bộ lãi luỹ kế tích luỹ nhiều năm.

Tính tới 30/6/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Angimex lên tới 1.150 tỷ đồng, bằng 364,5% vốn chủ sở hữu, trong khi con số này đầu năm bằng 313,8% vốn chủ sở hữu.

Đáng chú ý, AGM có tổng dư nợ trái phiếu dài hạn lên tới 559,45 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu do phát hành hai mã AGMH2123001 (mệnh giá 350 tỷ đồng) và trái phiếu mã GMH2223001 (mệnh giá 300 tỷ đồng, dư nợ còn lại 210 tỷ đồng). Trong đó, cả hai trái phiếu đều phát sinh việc chậm thanh toán lãi đáo hạn.

Tin Cùng Chuyên Mục