Sôi động ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) 2023: Chuyển giao chào mừng tân Chủ tịch Lưu Trung Thái, cổ đông bức xúc chất vấn hàng loạt câu hỏi

Quỳnh Chi

Phiên họp thường niên mới đây của Ngân hàng Quân Đội (MBB) đánh dấu sự chuyển giao ở vị trí lãnh đạo cao nhất của nhà băng này. Nhưng cùng với đó là sự bức xúc của các cổ đông với hàng loạt thắc mắc về vấn đề dư nợ cho các đại gia bất động sản, cổ tức, việc chuyển giao bắt buộc hay bảo hiểm.

2023 được xem là năm chuyển giao của nhà băng này khi CEO Lưu Trung Thái được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị thay ông Lê Hữu Đức xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên vì thế cũng kéo dài hơn mọi năm vì dành thời gian tri ân cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, người được MB ví như "tổng công trình sư" của ngân hàng này.

Cổ đông bức xúc với hàng loạt thắc mắc về vấn đề dư nợ cho các đại gia bất động sản, cổ tức, việc chuyển giao bắt buộc hay bảo hiểm. 
Cổ đông bức xúc với hàng loạt thắc mắc về vấn đề dư nợ cho các đại gia bất động sản, cổ tức, việc chuyển giao bắt buộc hay bảo hiểm. 

Tuy nhiên, trong một phiên họp quan trọng đánh dấu sự chuyển giao vị trí lãnh đạo cao nhất của ngân hàng, một số cổ đông của MB cũng thể hiện không ít bức xúc.

Mở đầu phần thảo luận, một cổ đông sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu MBB và được ủy quyền đại diện hơn 1 triệu cổ phiếu thế hiện sự bức xúc về khâu tổ chức đại hội, khi mà các tờ trình theo cổ đông này "chỉ toàn hô khẩu hiệu". Các nội dung về chỉ tiêu kinh doanh không được trình bày rõ ràng, không thể hiện kế hoạch làm sao để đạt được kế hoạch. Ngoài ra, là một ngân hàng tự giới thiệu là trong top đầu về số hóa nhưng các ứng dụng số của MB và các đơn vị thành viên không có sự liên kết, gây khó khăn cho khách hàng. Thậm chí, cổ đông này còn so sánh với những đối thủ và cho rằng MB "kém hơn nhiều".

Sức nóng còn tăng cao hơn khi các cổ đông liên tục đặt thêm hàng loạt các câu hỏi, tập trung vào nhiều vấn đề khác nhau, từ mối quan hệ giữa MB với nhóm khách hàng lớn là các doanh nghiệp bất động sản; việc chi trả cổ tức quá thấp, cho tới cách thức tổ chức đại hội và phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

Cổ tức theo kiểu "phú quý giật lùi"

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong phiên họp của MB là câu chuyện cổ tức.

Trong tờ trình gửi cổ đông, MB đề xuất mức cổ tức năm 2022 tỷ lệ 20%, trong đó 5% tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng thêm hơn 6.800 tỷ đồng. Năm tới, kế hoạch cổ tức khoảng 15%.

Con số không được sự đồng thuận của một số cổ đông, họ đề nghị phải tăng tỷ lệ chia cổ tức khi mà MB báo lãi năm vừa qua tăng đột biến. Lập luận đưa ra là ngân hàng thì tăng trưởng nhưng quyền lợi của cổ đông thì không bằng mọi năm. Một cổ đông cao tuổi đề nghị tăng tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt thêm 2%, để tương đương với lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Đồng thời, cổ đông cũng kiến nghị mức cổ tức kế hoạch năm tới phải tăng lên khi các chỉ tiêu đều đặt cao hơn nhưng riêng tỷ lệ cổ tức lại giảm. "Không lẽ ở MB lại là phú quý giật lùi, kết quả kinh doanh tăng trưởng còn quyền lợi của cổ đông lại giảm đi", một cổ đông bức xúc cho biết.

Trả lời cổ đông, ông Lưu Trung Thái, tân Chủ tịch Hội đồng quản trị, đề nghị  giữ nguyên mức tỷ lệ chia cổ tức theo phương án đã đưa ra trong tờ trình vì "phương án này là phù hợp" và "năm nay dự kiến khó khăn hơn".

"Năm 2023 dự kiến là năm khó khăn hơn, do đó theo tôi phương án này là phù hợp. Ngân hàng giữ lại một chút thặng dư, cái này vẫn tính trong vốn chủ sở hữu, cũng không mất đi đâu cả", ông Thái nói và đề nghị các cổ đông giữ nguyên mức chi trả cổ tức.

"Nóng" chất vấn khoản vay của các đại gia bất động sản

Không riêng cổ tức, vấn đề cho vay các khách hàng lớn cũng được đặt ra ở phiên họp mới đây. Các doanh nghiệp bất động sản là khách hàng của MBB trong đó có Trung Nam được các cổ đông chỉ đích danh yêu cầu ban lãnh đạo cung cấp thông tin, khi mà những doanh nghiệp này đang trong diện khó khăn.

"Quy mô cho vay và trái phiếu của các doanh nghiệp trên là bao nhiêu? Quy mô dự kiến bị chuyển nhóm nợ của nhóm này và định hướng tiếp theo của MB là thế nào", một cổ đông đặt câu hỏi.

Một cổ đông khác còn yêu cầu ban lãnh đạo ngân hàng giải thích về mức cấp tín dụng gần 10.000 tỷ đồng cho một doanh nghiệp bất động sản, tương ứng gần 20% vốn điều lệ ngân hàng. "Tôi không nghĩ MB yêu doanh nghiệp này đến vậy", cổ đông nêu ý kiến.

Ông Phạm Như Ánh, Phó tổng giám đốc thường trực của MB, từ chối tiết lộ chi tiết số dư tín dụng với từng khách hàng vì lý do "quy định không cho phép". Tuy nhiên, lãnh đạo MB đánh giá các khoản cấp tín dụng này hiện tại đều không có rủi ro.

Với một doanh nghiêp bất động sản khác, MB không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, và chỉ cấp tín dụng ở lĩnh vực xây lắp. Còn doanh nghiệp bất động sản trên là đối tác lớn với nhiều bên, nhiều ngân hàng cho vay, MB là một trong những nhà băng cho vay và phát hành trái phiếu. Ông Ánh khẳng định, toàn bộ các dự án của doanh nghiệp bất động sản trên đều được MB quản lý dòng tiền trên tài khoản tới tận nhà thầu và khách hàng. "Hiện chúng tôi vẫn quản trị tiền trên tài khoản để thu đủ gốc và lãi và dự kiến là không có áp lực nợ xấu trong năm 2023", ông Ánh nói.

Với Trung Nam, cho vay và trái phiếu của Trung Nam đang được hấp thụ vào dự án điện mặt trời hiện vẫn trả nợ đủ, không có nợ xấu trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, bổ sung thêm rằng khó khăn không riêng với những doanh nghiệp lớn như doanh nghiệp bất động sản trên mà là toàn ngành bất động sản. Vấn đề lớn nhất hiện nay là vướng mắc pháp lý, không phải là tài chính. Với doanh nghiệp bất động sản là khách hàng lớn, ông khẳng định tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ đồng như cổ đông cho biết. "Các dự án bất động sản không riêng doanh nghiệp bất động sản trên đều có tài sản đảm bảo, sẽ không phát sinh nợ xấu cho năm nay", ông Thái khẳng định trước các cổ đông.

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính kiểm toán cuối năm 2022 của chính doanh nghiệp bất động sản với khối nợ 10.000 tỷ đồng, MB là một trong những ngân hàng cấp tín dụng và giữ trái phiếu lớn nhất của doanh nghiệp này.

 

Bỏ ngỏ câu hỏi về bảo hiểm

Một ý kiến khác cũng được nêu ra trong phiên họp là việc quản lý hoạt động bán bảo hiểm của MB, tuy nhiên, câu hỏi này không được ông Thái nhắc tới trong phần trao đổi với cổ đông.

 

Tin Cùng Chuyên Mục